bất thiện

Phật Quang Đại Từ Điển

(不善) Phạm: akuzala, Pàli: akusala. Đối lại với thiện. Một trong ba tính, đồng nghĩa với ác. Nghĩa là tính chất của nó không làm cho người ta an ổn, là pháp xấu ác, hay làm tổn hại đời này đời sau. Theo luận Đại tì bà sa quyển 51 và luận Câu xá quyển13, thì Bất thiện có bốn thứ: 1. Tự tính bất thiện, chỉ cho vô tàm (không thẹn với mình), vô quí (không hổ với người), tham, sân và si. Trong các pháp hữu lậu, năm pháp này tự thể của chúng là bất thiện, cũng như thuốc độc. 2. Tương ứng bất thiện, chỉ cho tất cả tâm và tâm sở tương ứng với vô tàm, vô quí, tham, sân và si mà sinh ra cùng một lúc. Do sự tương ứng đó mà chúng thành là tính chất bất thiện. 3. Đẳng khởi bất thiện, chỉ cho thân nghiệp, ngữ nghiệp và pháp bất tương ứng hành. Đẳng khởi (cùng khởi lên như nhau), nghĩa là theo thiện khởi thiện, theo ác khởi ác, năng khởi và sở khởi giống nhau. Đây là do tự tính bất thiện và tương ứng bất thiện dẫn khởi. 4. Thắng nghĩa bất thiện, chỉ cho pháp sinh tử. Các pháp trong sinh tử tuy có thiện, có bất thiện, nhưng bản chất của chúng đều là khổ, cực kì bất an. Tức do thực nghĩa của chân đế mà định nghĩa các pháp sinh tử là bất thiện, cho nên gọi là Thắng nghĩa bất thiện. Các nhà phân biệt luận thì cho si là Tự tính bất thiện, thức là Tương ứng bất thiện, thân, ngữ là Đẳng khởi bất thiện, sinh tử là Thắng nghĩa bất thiện. Còn luận Đại thừa a tì đạt ma tạp tập quyển4 thì lập 12 thứ bất thiện, tức là: tự tính, tương thuộc, tùy trục, phát khởi, đệ nhất nghĩa, sinh đắc, phương tiện, hiện tiền cúng dường, tổn hại, dẫn nhiếp, sở trị, và chướng ngại bất thiện. [X. luận Thành duy thức Q.5; luận Phẩm loại túc Q.2; luận Tạp a tì đàm tâm Q.3; luận Câu xá Q.2, Q.15; luận Thành thực Q.9 phẩm Quá hoạn]. (xt. Tam Tính, Thiện).