bất thành nhân

Phật Quang Đại Từ Điển

(不成因) Tiếng dùng trong Nhân minh. Theo phương thức lập luận Nhân minh, Nhân (lí do) phải đầy đủ ba tướng (ba tính chất), mới có thể thành Nhân chính xác, nếu thiếu bất cứ tướng nào trong ba tướng đều trở thành Tự nhân (nhân tương tự, nhân không chính xác). Trong ba tướng, nếu Nhân thiếu tướng thứ nhất (Biến thị Tông pháp tính, nghĩa là tính chất của Nhân phải bao gồm cả tính chất của Tông), thì không thể chứng minh được Tông (mệnh đề, chủ trương), gọi là Bất thành nhân. Có bốn loại bất thành: Cả hai đều bất thành; Tùy một bất thành; Do dự bất thành; Sở y bất thành. Nhân phải luôn luôn có mặt trong Tông mới có thể chứng minh được Tông, nếu không, hoặc chỉ hiện diện một phần, thì cũng không chứng minh được Tông. Tính chất bao trùm của Nhân trong Tông phải được cả đôi bên người lập luận và người vấn nạn đồng ý mới thành. Nói cách khác, tính chất Nhân trong Tông phải được cả đôi bên quyết định, không một chút do dự hoài nghi mới thành, trái lại thì là bất thành. Bất thành; tức là tính chất Nhân trong Tông không được quyết định một cách dứt khoát và có thể được giải thích theo hai phương diện: một là Nhân không thể thành Tông; hai là Nhân không thể thành Nhân. Theo cách giải thích thứ nhất, chữ Thành là nghĩa thành lập, chú trọng vào mối quan hệ giữa Nhân và Tông mà lập thuyết. Còn theo cách giải thích thứ hai, thì chữ Thành là nghĩa thành tựu, chú trọng đến bản thân của Nhân mà lập thuyết. Dung hợp cả hai giải thích trên đây thì có đủ quan hệ nhân quả. Phần Nhân vốn được dùng để chứng minh thể của Tông, khiến thể của Tông được thành lập, cho nên, khi Nhân không đủ sức thành lập Tông thể, thì gọi là Nhân bất thành. Đứng về phương diện bản thân Nhân mà nói, trong trường hợp này, không những Nhân đã không có sức chứng minh Tông, mà Nhân cũng không làm hết cái trách nhiệm mà lẽ ra Nhân phải chu toàn, như vậy Nhân cũng chẳng thành Nhân. Cho nên có thể nói, tự chẳng thành Nhân là kết quả của sự không thành Tông. Lí do không thành Tông là vì tính chất của Nhân không bao quát khắp trong Tông, và lý do không thành được Tông và tự chẳng thành Nhân cũng đều từ đó mà ra. [X. luận Nhân minh nhập chính lí ngộ tha môn thiển thích]. (xt. Nhân Tam Tướng, Nhân Minh, Y Chuyển Cực Thành).