bát thắng xứ

Phật Quang Đại Từ Điển

(八勝處) Tám chỗ vượt hơn. Tiếng Phạm: Awỉàvabhibhv-àyatanàni, Pàli: Aỉỉha abhibhà-yatanàni. Cũng gọi là bát trừ nhập, bát trừ xứ. Tức là tám giai đoạn quán tưởng sắc xứ (chỗ màu sắc) và hình tướng ở cõi Dục để khắc phục mà trừ bỏ lòng tham. Thắng xứ, nghĩa là chỗ nương vào đó để chiến thắng phiền não mà dẫn đến nhận biết Phật giáo. 1. Nội hữu sắc tưởng quán ngoại sắc thiểu thắng xứ (trong có sắc tưởng, ngoài quán ít sắc). Nghĩa là, nếu trong tâm có ý tưởng về sắc, thì đó là vì tâm quán tưởng về đạo chưa được lớn mạnh; trong trường hợp ấy, nếu quán tưởng nhiều sắc, sẽ khởi tâm tham dục, thì khó mà giữ được tâm đạo, cho nên phải quán tưởng ít sắc để diệt trừ tham muốn. 2. Nội hữu sắc tưởng quán ngoại đa sắc thắng xứ (trong có sắc tưởng, ngoài quán nhiều sắc). Nghĩa là tâm quán tưởng đạo dần dần đã lớn mạnh, thành thục, trong trường hợp này, có quán tưởng nhiều sắc bên ngoài, cũng không có gì trở ngại. Như quán tưởng kỹ một xác chết, cho đến mười trăm nghìn vạn cái xác chết, và tiến lên chiến thắng nhiều sắc xứ. 3. Nội vô sắc tưởng quán ngoại sắc thiểu thắng xứ (không có tưởng sắc bên trong, quán tưởng ít sắc bên ngoài). Nghĩa là tâm quán tưởng về đạo dần dần nhỏ nhiệm thù thắng, trong tâm không còn ý tưởng về sắc, nhưng bên ngoài quán tưởng ít sắc để thắng nó. 4. Nội vô sắc tưởng quán ngoại sắc đa thắng xứ (trong không sắc tưởng, ngoài quán nhiều sắc). ghĩa là cũng như trên, chế phục và chiến thắng nhiều sắc. 5. Nội vô sắc tưởng quán ngoại sắc thanh thắng xứ. Nghĩa là trong không có ý tưởng về sắc, ngoài quán sắc xanh. 6. Nội vô sắc tưởng quán ngoại sắc hoàng thắng xứ. Nghĩa là, trong không có sắc tưởng, ngoài quán sắc vàng. 7. Nội vô sắc tưởng ngoại quán sắc xích thắng xứ. Nghĩa là trong không có sắc tưởng, bên ngoài quán sắc đỏ. 8. Nội vô sắc tưởng quán ngoại sắc bạch thắng xứ. Nghĩa là trong không có sắc tưởng, bên ngoài quán sắc trắng. Các mục số 5, 6, 7, 8 trên đây là trong tâm không còn ý tưởng về sắc nữa, mà bên ngoài lại quán tưởng các màu xanh vàng đỏ trắng của sắc, khắc phục và chiến thắng để đối trị tham muốn. Tám thắng xứ trên đây đều lấy căn lành không tham làm tính chất, bốn thắng xứ đầu đều nương vào Thiền thứ nhất và Thiền thứ hai, bốn thắng xứ sau thì đều nương vào Thiền thứ tư, chứ không nương vào Thiền thứ ba, vì Thiền thứ ba quá vui sướng nên tâm trì độn. Còn về mối quan hệ giữa tám thắng xứ và tám giải thoát, thì luận Câu xá quyển 29 (Đại 29, 151 hạ) nói: Trong tám thắng xứ, hai thắng xứ đầu giống như giải thoát thứ nhất, hai thắng xứ kế tiếp giống với giải thoát thứ hai; bốn thắng xứ cuối giống như giải thoát thứ ba. Như vậy, tám thắng xứ khác với ba giải thoát ở chỗ nào? Trước tu giải thoát chỉ có thể buông bỏ, sau tu thắng xứ mới có thể chế phục các duyên, tùy chỗ ưa thích mà quán xét, cuối cùng phiền não không khởi lên nữa. Nghĩa là tu giải thoát, đối với các duyên, chỉ có thể theo thứ tự mà buông bỏ, đến bỏ lòng tham thì thôi, nhưng chưa được tự tại. Bởi thế lại phải tu tám thắng xứ mới có thể chế phục các duyên, khiến phiền não dứt bặt, không khởi lên nữa, tức chế phục đối cảnh mà được tự tại. [X. kinh Nhân vương Q.thượng; luận Đại trí độ Q.21; luận Đại tì bà sa Q.85; Pháp giới thứ đệ Q.trung hạ]. (xt. Bát Giải Thoát).