bát quải giáo

Phật Quang Đại Từ Điển

(八卦教) Là một trong những tôn giáo dân gian ở đời nhà Thanh bên Trung quốc. Tôn giáo này tổ chức theo hình thức tám quẻ (càn, khảm, cấn, chấn, tốn, li, khôn, đoài) của Trung quốc đời xưa, giáo đồ được chia bày xếp theo tám quẻ, cho nên gọi là Bát quái giáo. Cũng gọi Thiên lí giáo, một chi phái của Bạch liên giáo. Khoảng năm Khang hi, Lưu tá thần ở huyện Đơn, tỉnh Sơn đông, sáng lập Tu nguyên giáo (cũng gọi Ngũ huân đạo), có truyền một cuốn sách về thuyết tám quẻ, nhưng nội dung đến nay đã không thể khảo cứu được. Về sau, đồ chúng của Lưu tá thần ở huyện Lâm dĩnh tỉnh Hà nam, buộc Vương trung lãnh quẻ Chấn trong tám quẻ và làm chủ quẻ này. Năm Càn long 38 (1773), Vương trung bị bắt, tra trong các kinh sách thu được, có câu Bình giặc Hồ công ai khác hơn họ Lưu, họ Chu, vào năm Mậu thìn, Kỉ tị sẽ khởi sự. Đây là ghi chép về Bát quái giáo tương đối sớm. Năm Càn long 51, giáo chủ Lưu hồng (cháu bốn đời của Tá thần), bị bắt, giáo đồ khởi nghĩa ở Ứng thành, bị đàn áp mạnh. Năm Gia khánh 18 (1813), Lâm thanh, Lí văn thành lại dùng danh nghĩa Thiên lí giáo (tên khác của Bát quái giáo) để khởi sự. Giáo này được lưu truyền ở các tỉnh Hà bắc, Sơn đông, Hà nam, Sơn tây v.v… Về cách chia giáo theo tám quẻ, thì quẻ Khảm đứng đầu tám quẻ, thống lãnh bảy quẻ kia. Trong giáo cũng chia làm quẻ văn, quẻ vũ. Quẻ Li, quẻ Chấn trong giáo này, sau trở thành các giáo phái độc lập ở các tỉnh Sơn đông, Hà bắc, Hà nam v.v… như Li quái giáo, Chấn quái giáo… Ngoài ra, như Kim đan bát quái giáo, Nhất chú hương li quái giáo, Nghĩa hòa môn li quái giáo v.v… đều thuộc hệ thống Bát quái giáo.