bát phạt đa quốc

Phật Quang Đại Từ Điển

(鉢伐多國) Bát phạt đa, Phạm Parvata. Tên một nước nhỏ ở tây Ấn độ vào thế kỷ VII Tây lịch. Cứ theo Đại đường tây vực ký quyển 11 chép, thì nước này chu vi hơn năm nghìn dặm, dân cư đông đúc, lệ thuộc nước Trách ca. Khí hậu ôn hòa, phong tục chất trực, tính người nhanh nhẹn, nói năng đôi khi quê mùa, nghề học sâu rộng, tín ngưỡng chính tà lẫn lộn. Có hơn mười ngôi chùa với hơn một nghìn chư tăng, học tập cả Tiểu thừa và Đại thừa. Có bốn cây tháp do vua A dục xây cất. Bên cạnh đô thành có ngôi chùa to, chư tăng học giáo pháp Đại thừa, tức là nơi mà xưa kia luận sư Thận na phất đát la (Tối thắng tử) đã ở để soạn bộ Du già sư địa thích luận; và cũng là nơi, ở đó, các luận sư Hiền ái, Đức quang đã xuất gia. Theo sự khảo cứu thì vị trí nước Bát phạt đa ở Harappa, chỗ vị trí cũ của sông Ravi, cách Montgomery khoảng 25 cây số về phía nam tỉnh Panjab hiện nay. [X. Đại từ ân tự tam tạng pháp sư truyện Q.4; S. N. Majumdar: Cunningham’s Ancient Geography of India].