bát pháp

Phật Quang Đại Từ Điển

(八法) I. Bát pháp (tám yếu tố). Bốn yếu tố cực lớn (tứ đại) đất, nước, lửa, gió và bốn yếu tố cực nhỏ (tứ vi) sắc, hương, vị, xúc gọi chung là bát pháp. 1. Đất, tính của đất cứng chắc, nghĩa là mắt tai mũi lưỡi thân thuộc đất. Như tóc lông móng răng, da thịt gân xương v.v… đều thuộc đất. 2. Nước, tính của nước ướt át, như bọt nước, nước mắt, máu, mủ, mồ hôi, nước miếng, đờm, dãi, tinh khí, đại, tiểu tiện v.v… đều thuộc nước. 3. Lửa, tính của lửa là cháy nóng, tức hơi ấm trong người thuộc lửa. 4. Gió, tính của gió là chuyển động, tức hơi thở ra vào, và sự chuyển động của thân thể người ta thuộc về gió. 5. Sắc vi, nghĩa là mắt thấy các loại sắc, vì sắc nhỏ nhiệm vi tế, cho nên gọi là vi. 6. Hương vi, nghĩa là mũi ngửi các mùi thơm, vì nó nhỏ nhiệm, nên cũng gọi là vi. 7. Vị vi, nghĩa là lưỡi nếm các mùi vị, mùi vị cũng nhỏ nhiệm. 8. Xúc vi, nghĩa là thân thể cảm biết sự đụng chạm, cọ xát, vì nó nhỏ nhiệm, nên gọi là xúc vi. [X. kinh Viên giác]. II. Bát pháp. Chỉ tám pháp ở thế gian. Tức là lợi, không lợi, tiếng tăm, không tiếng tăm, bàn cãi, không bàn cãi, khổ, sướng. [X. kinh Tăng nhất a hàm Q.39; kinh Ấm trì nhập]. III. Bát pháp. Gọi tắt của Bát chính đạo. Tức: Chính kiến, Chính tư duy, Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính mệnh, Chính tinh tiến, Chính niệm, Chính định. (xt. Bát Chính Đạo).