bất phân giáo ngũ ý

Phật Quang Đại Từ Điển

(不分教五意) Năm ý không chia giáo. Nghĩa là có năm lí do không nên phân chia giáo pháp của đức Phật. Do ngài Trừng quán ở núi Thanh lương đời Đường chủ trương. Đó là: 1. Lí bản nhất vị, thù đồ đồng qui (lí vốn một vị, đường khác về cùng). Nghĩa là đức Phật nói các pháp, lí vốn không hai, tùy theo căn cơ mà có sự hiểu biết khác nhau, nên có đường lối bất đồng. Căn cơ tuy có sai biệt, nhưng cuối cùng đều trở về một lí chân thực. Vì thế không nên chia giáo pháp. 2. Nhất âm phổ ứng, nhất vũ phổ tư (một tiếng ứng khắp, một trận mưa thấm nhuần khắp). Nghĩa là đức Phật dùng một tiếng nói pháp bình đẳng ứng khắp, căn cơ lớn nhỏ đều được lợi ích, ví như một trận mưa tưới khắp cây cỏ trên mặt đất. Vì thế không nên phân chia giáo pháp. 3. Nguyên Phật bản ý, vị nhất sự cố (nguyên ý của Phật, vốn chỉ vì một việc). Nghĩa là Phật chỉ vì một việc nhân duyên lớn mà hiện ra nơi đời nhằm mở bày cho chúng sinh đều được thành Phật; cho nên giáo pháp tuy chia làm 9 bộ loại, nhưng đều thuận theo chúng sinh mà nói, đưa vào Đại thừa là gốc, ý Phật như thế, vì vậy không nên phân chia giáo pháp. 4. Tùy nhất nhất văn, chúng giải bất đồng (tùy mỗi câu văn, mọi người hiểu khác nhau). Nghĩa là khi Phật nói về pháp vô thường, hoặc cho sinh diệt là vô thường, hoặc cho không sinh không diệt là vô thường. Pháp vốn là một, mà căn cơ hiểu biết khác nhau, vì thế không nên chia giáo pháp. 5. Đa chủng thuyết pháp, thành chi lưu cố (nói nhiều thứ pháp, thành các chi nhánh). Nghĩa là lúc pháp sắp diệt, có nhiều thứ thuyết khác lạ, e một vị thuần nhất bị pha trộn thành nhiều chi nhánh khác nhau, vì thế không nên phân chia giáo pháp.