bất nhiễm ô vô tri

Phật Quang Đại Từ Điển

(不染污無知) Phạm: akliwỉajĩàna. Cũng gọi Bất nhiễm vô tri, Bất nhiễm ngu. Một trong hai loại vô tri. Đối lại với Nhiễm ô vô tri. Tức tính của nó không nhiễm ô, nhưng vì là loại trí tuệ còn yếu kém, nên đối với các nghĩa sai biệt trong Phật pháp, nó chưa có khả năng biết rõ được. Thanh văn, Độc giác tuy rốt cùng đoạn nhiễm ô vô tri, hoặc có thể đoạn, hoặc vẫn còn Bất nhiễm ô vô tri, chỉ có Phật mới có thể vĩnh viễn dứt hết Bất nhiễm ô vô tri, nên gọi là diệt tất cả hạt giống. Bởi vì thể của Bất nhiễm ô vô tri rộng hơn, bao gồm cả giải thoát chướng mà Thanh văn, Độc giác tuy có thể đoạn trừ nó, nhưng vì tập khí phiền não chưa diệt hết nên có khi nó còn hiện hành. Cứ theo ý của luận Đại tì ba sa Q.9 và luận Thuận chính lý quyển 28, thì Câu giải thoát A la hán tuy đã đoạn giải thoát chướng nhưng bất nhiễm ô vô tri vẫn còn khởi hiện hành. Câu xá luận quang kí quyển 1 nói, Bất nhiễm ô vô tri lấy trí tuệ yếu kém có đầy đủ hữu lậu vô nhiễm từ lúc chưa thành Phật đến nay làm thể. Trong ba tính, nó thông với tính thiện và tính vô phú vô kí, khi định Kim cương dụ của Bồ tát hiện ở trước thì vô tri không còn là duyên thù thắng nữa, cho nên Bồ tát lập tức dứt hết bất nhiễm ô vô tri. Bất nhiễm ô vô tri tương đương với Sở tri chướng trong hai chướng, song, theo luận Phật tính quyển 4 nói thì chướng có ba thứ là: phiền não chướng (lìa chướng này thì được Tuệ giải thoát A la hán), Thiền định chướng (lìa chướng này thì được Câu giải thoát A la hán và Độc giác v.v…), Nhất thiết trí chướng (lìa chướng này thì được thành Chính giác). Theo đó thì biết Bất nhiễm ô vô tri rộng suốt cả giải thoát chướng và Sở tri chướng, trong đây, Câu giải thoát A la hán tuy đã dứt giải thoát chướng, nhưng chưa lìa Sở tri chướng, chỉ có Phật mới có thể dứt hết cả hai. Còn Đại thừa thì cho rằng: Bất nhiễm ô vô tri lấy vô minh làm thể của nó. [X. luận Đại tì bà sa Q.99, Q.141; luận Câu xá Q.1; luận Thuận chính lý Q.70; Phật địa kinh luân Q.4; Nhiếp đại thừa luận thích (bản dịch đời Lương) Q.10; Đại thừa khởi tín luận nghĩa sớ Q.hạ phần trên; Câu xá luận bảo sớ Q.1].