bát nhã lí thú phần

Phật Quang Đại Từ Điển

(般若理趣分) Chỉ hội thứ mười trong mười sáu hội của kinh Đại bát nhã. Nội dung trình bày ý chí sâu xa của thực tướng Bát nhã. Phần Bát nhã lý thú này sau được dùng làm khóa tụng hàng ngày, và ý chỉ sâu xa của nó cũng đã được giải thích rõ trong sách Lý thú phần thuật tán 3 quyển của ngài Từ ân. Giáo thuyết trong phần này cũng gần giống như giáo thuyết trong kinh Bát nhã lý thú trong Mật tạng, bởi thế, các nhà Mật giáo, mỗi khi đề cập đến Lý thú phần, thì cho đó là sự giải nói về hành tướng nông cạn, sơ lược trong kinh Lý thú. Những bản dịch khác của kinh này còn có: Thực tướng bát nhã ba la mật kinh do ngài Bồ đề lưu chi dịch, Kim cương đính du già lý thú bát nhã kinh do ngài Kim cương trí dịch, Đại lạc kim cương bất không chân thật tam ma da kinh do ngài Bất không dịch và Biến chiếu bát nhã ba la mật kinh do ngài Thí hộ dịch. Về con số các bài tụng trong nguyên bản tiếng Phạm của kinh này, thì phổ thông có hai thuyết: một thuyết bảo có ba trăm tụng (Pháp uyển châu lâm, Khai nguyên thích giáo lục), còn thuyết kia thì nói có một trăm năm mươi tụng (Chí nguyên pháp bảo khám đồng tổng lục). Năm 1917, hai ông Tuyền phương cảnh và Mẫu vĩ tường vân – người Nhật bản – đã đem hợp chung cả nguyên bản Phạm văn, bản dịch Tây tạng và bản Hán dịch lại, rồi xuất bản.