bát nhã lí thú kinh

Phật Quang Đại Từ Điển

(般若理趣經) Phạm: Prajĩà-pàramità-nayazatapaĩ-càzatikà. Có một quyển, gọi đủ là Đại lạc kim cương bất không chân thực tam ma da kinh. Gọi tắt là Lý thú kinh. Ngài Bất không đời Đường dịch. Thu vào Đại chính tạng tập 8. Đại lạc kim cương bất không là tên khác của Kim cương tát đóa, biểu thị Tát đóa tự chứng niềm vui lớn trong việc giáo hóa người khác, việc giáo hóa bền chắc không gián đoạn cũng như kim cương. Tam ma da là nghĩa thệ nguyện gốc. Kinh này do pháp thân Trí của đức Đại nhật Như lai, vì bố tát Kim cương tát đóa, tuyên nói lý thú trong sạch của bát nhã, đồng thời, bồ tát Kim cương tát đóa cũng nói lên thệ nguyện gốc chân thật của mình. Toàn kinh được cấu thành bởi ba phần Duyên khởi, Chính tông và Lưu thông, trong đó, phần Chính tông được chia làm 17 đoạn, lần lượt giảng nói 17 pháp môn: Đại lạc pháp môn, Chứng ngộ, Hàng phục, Quán chiếu, Phú, Thực động, Tự luân, Nhập đại luân, Cúng dường, Phẫn nộ, Phổ tập, Hữu tình gia trì, Thất mẫu thiên, Tam huynh đệ, Tứ tỉ muội, Các cụ, Thâm bí, v.v… để nêu tỏ việc xây dựng nước Phật trong sạch ngay trong cuộc sống ngày thường, là cực ý ngay thân này thành Phật trong Mật giáo. Các tông phái Mật giáo đều nương dùng kinh này và sớm hôm đều đọc tụng. Kinh này còn năm bản dịch khác dưới đây: 1. Đệ thập hội Bát nhã lý thú phần, 1 quyển, trong kinh Đại bát nhã, ngài Huyền trang dịch, thu vào Đại chính tạng tập 8. 2. Thực tướng bát nhã ba la mật kinh, một quyển, ngài Bồ đề lưu chi đời Đường dịch, thu vào Đại chính tạng tập 8. 3. Kim cương đính du già lý thú bát nhã kinh, một quyển, ngài Kim cương trí đời Đường dịch, thu vào Đại chính tạng tập 8. 4. Biến chiếu bát nhã ba la mật kinh, 1 quyển, ngài Thí hộ đời Tống dịch,thu vào Đại chính tạng tập 8. 5. Tối thựơng căn bản kim cương bất không tam muội đại giáo vương kinh, 7 quyển, ngài Pháp hiền đời Tống dịch, thu vào Đại chính tạng tập 8. Ngoài ra, còn có bản tiếng Phạm, bản Tây tạng, bản dịch tiếng Nhật v.v… Kinh này cũng có rất nhiều chú sớ, nổi tiếng hơn cả thì có: Lý thú thích, 1 quyển, Thập thất tôn nghĩa thuật 1 quyển của ngài Bất không, Lý thú kinh văn cú 1 quyển của ngài Không hải v.v… [X. Khai nguyên thích giáo lục Q.8, Q.11; Trinh nguyên tân định thích giáo mục lục Q.15].