bát nhã kinh điển

Phật Quang Đại Từ Điển

(般若經典) Gọi chung tất cả kinh điển thuyết minh lí cao sâu của Bát nhã ba la mật. Dịch cũ là Bát nhã ba la mật kinh, dịch mới là Bát nhã ba la mật đa kinh. Có mấy chục bộ, như kinh Đại phẩm bát nhã, kinh Tiểu phẩm bát nhã, kinh Đại bát nhã, kinh Bát nhã tâm, kinh Kim cương v.v… đều thuộc loại này. Về sự truyền bá kinh Bát nhã, ở Ấn độ, sau đức Phật nhập diệt khoảng năm trăm năm, Tiểu phẩm bát nhã đã thịnh hành tại miền bắc Ấn độ, lấy ngài Tu bồ đề làm vị chủ nói pháp, ngài Xá lợi phất cũng thường lên tòa diễn giảng. Về sau, Đại phẩm bát nhã được thành lập, các ngài Xá lợi phất và Tu bồ đề đắp đổi cứu xét lí không. Văn thù bát nhã thì lấy các ngài Văn thù, Ca diếp làm chủ. Các bản Đại phẩm được lưu thông rộng rãi. Từ khoảng sáu trăm năm sau đức Phật nhập diệt trở đi, các phẩm loại bộ hệ đã được thành lập. Về các luận chú thích kinh điển Bát nhã ở Ấn độ, thì sau đức Phật nhập diệt khoảng bảy trăm năm, có các bồ tát Long thụ, Đề bà thuộc học phái Đại thừa Trung quán Không tông soạn các luận. Về Đại phẩm bát nhã, bồ tát Long thụ soạn Ưu bà đề xá mười vạn kệ (tức là luận Đại trí độ do ngài Cưu ma la thập dịch) luận Vô úy, luận Trung quán, luận Thập nhị môn. Bồ tát Đề bà thì soạn luận Quảng bách, luận Bách, luận Bách tự bản kệ v.v… Đối lại với các ngài Long thụ, Đề bà, có các ngài Di lặc, Vô trước thuộc Du già hữu tông. Ngài Di lặc soạn Kim cương bát nhã tụng (Phạm: Aryasina), ngài Vô trước soạn luận chú thích Kim cương bát nhã của ngài Di lặc và luận Thuận trung v.v… Các ngài Thế thân, Thanh biện, Nguyệt xưng v.v… cũng nối tiếp nhau soạn các luận. Kinh điển Bát nhã được truyền dịch ở Trung quốc, thì bắt đầu với kinh Bát nhã đạo hạnh phẩm do ngài Chi lâu ca sấm dịch vào đời vua Linh đế nhà Đông Hán. Về sau sa môn Chu sĩ hành thỉnh được Phóng quang bát nhã tại nước Vu điền. Vào thời Ngụy Tấn Nam Bắc triều, do quan điểm của các học giả bàn về tông yếu của Bát nhã có khác nhau, mà đã hình thành thuyết sáu nhà bảy tông. Đến khi ngài La thập sang Đông độ (Trung quốc), đúng vào lúc Phóng quang, Đạo hành bát nhã đang thịnh, ngài La thập bèn phiên dịch các Bát nhã Đại Tiểu phẩm, Tâm kinh, Kim cương và Nhân vương v.v… đồng thời, ngài cũng dịch các luận chú thích của bồ tát Long thụ, Đề bà v.v… xiển dương Bát nhã không môn, càng khiến ánh sáng Bát nhã tỏa ra bốn phương rực rỡ. Các vị đệ tử của ngài La thập là Tăng triệu, Đạo dung, Tăng duệ, Đạo sinh v.v… đua nhau tôn sùng Bát nhã, đặc biệt luận Bảo tạng, luận Triệu của sư Tăng triệu đã rút tỉa được nghĩa sâu xa mầu nhiệm nhất của Bát nhã. Rồi học trò của các sư Tăng duệ, Tăng triệu thành lập tông Tam luận, lấy các luận Trung quán, luận Bách, luận Thập nhị môn làm chỗ y cứ. Về bộ hệ của kinh điển Bát nhã, luận Kim cương tiên Q.1, do ngài Bồ đề lưu chi dịch, nêu ra tám bộ Bát nhã: Bộ thứ nhất mười vạn kệ (Đại phẩm), bộ thứ hai hai vạn năm nghìn kệ (Phóng quang), bộ thứ ba một vạn tám nghìn kệ (Quang tán), bộ thứ tư tám nghìn kệ (Đạo hành), bộ thứ năm bốn nghìn kệ (Tiểu phẩm), bộ thứ sáu hai nghìn năm trăm kệ (Thiên vương vấn), bộ thứ bảy sáu trăm kệ (Văn thù), bộ thứ tám ba trăm kệ (Kim cương bát nhã). Sáu trăm quyển Đại bát nhã do ngài Huyền trang dịch chính là đại thành của Bát nhã căn bản và Bát nhã tạp bộ. Đại bát nhã là gốc, còn các bát nhã khác, đều là Bát nhã ngọn được rút riêng từ các hội Bát nhã gốc. (xt. Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh).