bát nhã ba la mật đa tâm kinh

Phật Quang Đại Từ Điển

(般若波羅蜜多心經) Phạm: Prajĩàpàramità-hfdayasùtra. Có 1 quyển. Nói đủ là Ma ha bát nhã ba la mật đa tâm kinh. Nói tắt Bồ Tát Bát Nhã Ba La Mật là Bát nhã tâm kinh, Tâm kinh. Ngài Huyền trang dịch. Thu vào Đại chính tạng tập 8. Tâm (Phạm:hfdaya),chỉ trái tim, hàm ý là tinh yếu, tâm tủy. Kinh này đem đúc kết nội dung rộng lớn của kinh Bát nhã, mà thành cuốn kinh biểu hiện tinh thần Bát nhã đều không một cách ngắn gọn trong sáng. Toàn kinh nêu ra năm uẩn, ba khoa, mười hai nhân duyên và bốn đế để trình bày lí các pháp đều không một cách tổng quát. Câu Sắc tức thị không, không tức thị sắc đã có xuất xứ từ kinh này. Kinh có tất cả sáu bản dịch khác nhau: Bát nhã ba la mật đại minh chú kinh (Cưu ma la thập), Bát nhã ba la mật đa na đề kinh (Bồ đề lưu chi), Bát nhã ba la mật đa tâm kinh (Bát nhã, Lợi ngôn), Phổ biến trí tạng bát nhã ba la mật đa tâm kinh (Pháp nguyệt), Bát nhã ba la mật đa tâm kinh (Trí tuệ luận), Thánh phật mẫu bát nhã ba la mật đa kinh (Thí hộ). Trong các bản dịch kể trên, bản dịch của ngài Cưu ma la thập nổi tiếng hơn cả, và cũng là bản dịch được lưu truyền rộng rãi nhất. Bản tiếng Phạm của kinh này, hiện nay có bản Bí tạng ở chùa Pháp long bên Nhật bản. Năm 1884, Max Müller và Nam điều Văn hùng cùng sửa chữa và xuất bản. Năm 1894, Max Müller đã dịch ra tiếng Anh và xuất bản. Ngoài ra, năm 1864, nhà học giả Phật giáo học người Anh là ông Samuel Beal cũng dịch Bát nhã tâm kinh – bản dịch của ngài Huyền trang ra Anh văn và xuất bản. Kinh này cũng còn bản dịch âm tiếng Phạm ra âm chữ Hán, gọi là Đường Phạm phiên đối tự âm bát nhã ba la mật đa tâm kinh (kinh Bát nhã ba la đa tâm phiên âm Đường (Hán) Phạm đối chiếu), tương đương với bản của ngài Huyền trang. Bản dịch này do Stein tìm được ở động đá Đôn hoàng, là tư liệu trọng yếu của học thuật Phật giáo. Kinh này có rất nhiều bản chú sớ, trọng yếu hơn cả thì có: Bát nhã ba la mật đa tâm kinh lược sớ (Pháp tạng), Bát nhã ba la mật đa tâm kinh u tán (Khuy cơ), Bát nhã ba la mật đa tâm kinh tán (Viên trắc), Bát nhã ba la mật đa tâm kinh sớ (Tuệ tịnh) v.v… [X. Đại đường nội điển lục Q.2, Q.5; Khai nguyên thích giáo lục Q.4, Q.8, Q.9, Q.11, Q.14; Lịch đại tam bảo kỉ Q.4].