bát nhã

Phật Quang Đại Từ Điển

(般若) Phạm: Prajĩà. I. Bát nhã. Cũng gọi ba nhã, bát la nhã, bát lạt nhã. Dịch ý là tuệ, trí tuệ, minh, hiệt tuệ (tuệ sáng). Tức là trí tuệ chân thực nhờ tu tâm chính đạo và các ba la mật mà phát được. Trí tuệ cao sâu, thấy suốt hết thảy sự vật và đạo lý, thì gọi là Bát nhã. Để đạt đến chỗ cùng tột rốt ráo và trọn vẹn, Bồ tát phải tu sáu hạnh, gọi là sáu ba la mật. Trong đó, Bát nhã ba la mật (trí tuệ ba la mật), được coi là mẹ của chư Phật, trở thành căn cứ cho năm ba la mật kia và chiếm địa vị trọng yếu nhất. Nói về chủng loại, thì Bát nhã có hai loại, ba loại, năm loại khác nhau. Về hai loại thì có ba bát nhã sau đây : 1. Cộng bát nhã và Bất cộng bát nhã. Cộng bát nhã tức là bát nhã nói chung cho cả Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát. Còn Bất cộng bát nhã thì chỉ là bát nhã nói riêng cho hàng Bồ tát. 2. Thực tướng Bát nhã và Quán chiếu bát nhã. Thực tướng bát nhã là cái tướng chân thực tuyệt đối của hết thảy sự tượng do trí tuệ bát nhã soi rọi. Đây tuy không phải là bát nhã, nhưng có thể khơi nguồn cho bát nhã nên gọi là Bát nhã. Quán chiếu Bát nhã là trí tuệ hay soi rọi tướng chân thực tuyệt đối của tất cả các pháp. 3. Thế gian bát nhã và Xuất thế gian bát nhã. Thế gian bát nhã tức là bát nhã thế tục, tương đối. Xuất thế gian bát nhã tức là bát nhã siêu thế tục, tuyệt đối. Về ba loại bát nhã, nếu thêm Phương tiện bát nhã hoặc Văn tự bát nhã vào Thực tướng và Quán chiếu, thì gọi là ba bát nhã. Phương tiện bát nhã là dùng trí tương đối mà suy luận phán đoán để thấy rõ sự khác nhau giữa các pháp. Còn Văn tự bát nhã là các kinh điển Bát nhã bao hàm cả Thực tướng và Quán chiếu bát nhã. Về năm loại bát nhã, nếu thêm Cảnh giới bát nhã (tất cả các pháp đối tượng khách quan của trí tuệ bát nhã) và Quyến thuộc bát nhã (các phương pháp tu hành, đi đôi với bát nhã để giúp đỡ sáu ba la mật) vào Thực tướng, Quán chiếu và Văn tự, thì gọi là năm bát nhã. II. Bát nhã(734-?). Vị tăng dịch kinh ở đời Đường. Cũng gọi Bát lạt nhã. Người nước Ca tất thí (Kế tân) thuộc miền bắc Ấn độ, họ Kiều đáp ma. Bảy tuổi xuất gia, hai mươi tuổi thụ giới Cụ túc. Hai mươi ba tuổi đến chùa Na lan đà ở trung Ấn độ, theo các ngài Trí độ, Tiến hữu, Trí hữu v.v… học tập nghiên cứu Duy thức, Du già, Trung biên, kinh Kim cương, Ngũ minh v.v… Sau đáp thuyền đi khắp các nước vùng biển Nam. Năm Kiến trung thứ 2 (781) đời vua Đức tôn nhà Đường, sư đến Quảng châu, rồi từ đó vào Trường an. Năm Trinh nguyên thứ 4 (788), sư dịch kinh Đại thừa lí thú lục ba la mật đa 10 quyển, năm sau, lại dịch phần chân ngôn ấn khế và pháp môn trong kinh ấy. Năm Trinh nguyên thứ 6, tháng 7 sư vâng lệnh vua đi sứ nước Ca thấp di la. Sau đó, sư được vua ban danh hiệu Bát nhã tam tạng và áo đỏ. Về sau, sư dịch lại các kinh Bát nhã ba la mật đa tâm, Hoa nghiêm (bản 40 quyển), Đại thừa bản sinh tâm địa quán, Thủ hộ quốc giới chủ đà la ni v.v… Sư tịch ở Lạc dương, được an táng tại gò phía tây Long môn, không rõ tuổi thọ. [X. Tống cao tăng truyện Q.2, Q.3; Trinh nguyên tân định thích giáo mục lục Q.17].