bát nạn

Phật Quang Đại Từ Điển

(318<一>梵語 aṣṭāv akṣaṇāḥ,巴利語 aṭṭhakkhaṇā。指) I. Bát nạn. Tám nạn. Phạm: awỉàv akwaịàøø#, Pàli: aỉỉakkhaịà. Là tám loại chướng nạn khiến không được gặp Phật, không được nghe chính pháp. Cũng gọi bát nạn xứ, bát nạn giải pháp, bát vô hạ, bát bất nhàn, bát phi thời, bát ác, bát bất văn thời tiết. Trường a hàm quyển 9 kinh Thập thượng, Trung a hàm quyển 29 kinh Bát nạn, nêu tám nạn như sau: 1. Nạn ở địa ngục, vì gây các nghiệp ác, chúng sinh phải rơi vào địa ngục, đêm dài mờ mịt, chịu khổ không ngớt, không được thấy Phật nghe pháp. 2. Nạn ở trong quỉ đói. Có ba loại quỉ đói:- Quỉ đói nghiệp nặng nhất, suốt kiếp không được nghe tên nước uống. – Quỉ đói nghiệp nặng vừa, chỉ ở nhân gian rình mò kiếm được máu mủ phẩn giải để ăn. – Quỉ đói nghiệp nhẹ, thỉnh thoảng được bữa no, nhưng bị đánh đập xua đuổi, bị ngăn sông lấp biển, chịu vô lượng khổ. 3. Nạn ở trong súc sinh, súc sinh có nhiều loại, nhưng cũng đều theo nhân chịu báo, hoặc được người ta nuôi, hoặc ở núi rừng biển cả, thường bị đánh đập giết hại, hoặc ăn nuốt lẫn nhau, chịu khổ vô cùng. 4. Nạn ở cõi trời sống lâu, cõi trời này sống lâu năm trăm kiếp. Tức là trời Vô tưởng trong Thiền thứ tư ở cõi Sắc. Vô tưởng, có nghĩa là tâm tưởng không hoạt động nữa, như côn trùng tôm cá dưới lớp băng đóng cứng; những người tu hành ngoại đạo phần nhiều sinh vào cõi này, nên bị ngăn không được thấy Phật nghe pháp. 5. Nạn sinh vào Uất đơn việt. Uất đơn việt, dịch là nơi sung sướng. Những người sinh nơi đây, sống một nghìn tuổi, không ai chết non, tham đắm hưởng lạc, không nhận sự dạy bảo, nên Thánh nhân không sinh vào đây, không được thấy Phật nghe pháp. 6. Nạn mù điếc câm ngọng, những người này tuy được sinh ở trung quốc (chỉ vùng Ma kiệt đà ở trung bộ Ấn độ xưa), nhưng nghiệp chướng sâu nặng, mù điếc câm ngọng, các giác quan không hoàn toàn, tuy gặp Phật ra đời, nhưng không thấy được Phật, không nghe được Ngài nói pháp. 7. Nạn thế trí biện thông, nghĩa là tuy khôn ngoan lanh lợi, nhưng chỉ đắm theo kinh sách ngoại đạo, không tin chính pháp xuất thế. 8. Nạn sinh ra trước Phật sau Phật, nghĩa là do nặng nghiệp ít phúc, nên sinh trước Phật sau Phật, không được thấy Phật nghe pháp. Cứ theo kinh Tăng nhất a hàm quyển 16 nói, thì vâng giữ pháp tám trai giới, có thể đối trị tám nạn trên đây. Còn theo luận Thành thực quyển 2 nói, thì dùng bốn luân để đối trị tám nạn. Tức là: a. Trụ nơi thiện, có thể được sinh nơi trung quốc. b. Nương nơi người thiện, có thể sinh gặp đời có Phật. c. Tự phát nguyện chân chính, có thể đầy đủ chính kiến. d. Đời trước trồng căn lành, có thể được các căn toàn vẹn. [X. luận Đại trí độ Q.13; Đại thừa nghĩa chương Q.8; kinh Duy ma, Q.hạ phẩm Hương tích Phật]. II. Bát nạn. Khi thụ giới, tự tứ v.v… nếu xảy ra tám nạn, thì được phép nói tự tứ vắn tắt. Tám nạn ấy là: nạn vua quan, nạn giặc cướp, nạn lửa cháy, nạn nước lụt, nạn đau ốm, nạn người, nạn chẳng phải người, nạn trùng độc. [X.luật Tứ phần Q.34, Q.38].