bát lộ la quốc

Phật Quang Đại Từ Điển

(鉢露羅國) Bát lộ la, Phạm: Bolor. Tên một nước xưa ở bắc Ấn độ. Cũng gọi Bát lô lặc quốc, Ba lộ quốc, Bá lộ quốc, Bột lộ quốc. Nằm về phía bắc nước Ca thấp di la. Ở thời nhà Đường của Trung quốc, nước Bát lộ la được chia làm hai phần Tiểu bột luật và Đại bột luật. Cứ theo Đại đường tây vực kí quyển 2 chép, thì nước này chu vi hơn bốn nghìn dặm, nằm giữa núi Đại tuyết, chiều đông tây dài, chiều nam bắc hẹp. Sản xuất nhiều lúa mạch và đậu, khoáng sản có nhiều vàng bạc, nước rất giàu có. Khí hậu lạnh giá, tính người thô bạo, không chuộng nhân nghĩa, không có lễ tiết. Tướng mạo xấu tệ, mặc áo lông thú. Chữ viết giống Ấn độ, tiếng nói thì khác các nước. Có vài trăm ngôi chùa, với vài nghìn chư tăng, học hành không chuyên, giới luật lỏng lẻo. Lại trong bài tựa kinh Đại nhật, Thôi mục có nói: Ở lưng chừng núi Đại thạch trong nước Bột rô la thuộc bắc Thiên trúc, có cái hang, trong có một tạng pháp bí mật; người ta bảo, kinh Đại nhật đã từ hang này được truyền ra. Nước Bột rô la nói trong đây, là chỉ Bột luật, cũng tức là nước Bát lộ la. [X. Đại đường trinh nguyên tân dịch Thập địa đẳng kinh kí; Lạc dương già lam kí Q.5; Đường thư tây vực liệt truyện 146 hạ].