bất lai bất khứ

Phật Quang Đại Từ Điển

(不來不去) Không đến không đi. Phạm: anàyavyaya. Tiếng dùng trong kinh điển Phật giáo biểu thị tự tính của các pháp. Nghĩa là đứng về phương diện bản tính mà nói, thì các pháp không đến không đi. Nói theo sự thấy biết thế tục, thì nhân duyên muôn pháp trong vũ trụ đều có sinh có diệt, có thường có đoạn, có một có khác, có đến có đi. Nhưng nếu đứng trên lập trường chân lý trung đạo của Phật pháp mà nhận xét, thì các pháp nhân duyên cố nhiên có tụ có tán, nhưng tự tính của chúng thì thật chẳng sinh chẳng diệt, chẳng đoạn, chẳng thường, chẳng một chẳng khác, chẳng đến chẳng đi. Đây là học thuyết mà phái Trung quán Đại thừa ở Ấn độ và tông Tam luận của Trung quốc đặc biệt xem trọng. Luận Đại trí độ Q.5 (Đại 25, 97 trung ), nói: Chẳng sinh chẳng diệt, chẳng đoạn chẳng thường, chẳng một chẳng khác, chẳng đến chẳng đi, là pháp nhân duyên sinh. (xt. Bát Bất Trung Đạo).