bát la da già quốc

Phật Quang Đại Từ Điển

(鉢邏耶伽國) Bát la da già, Phạm: Prayàga. Tên một nước xưa ở trung Ân độ. Nằm về phía tây nước Ba la nại, là điểm giao lưu giữa sông Hằng và sông Diệm mâu na (Phạm: Yamnà). Cứ theo Đại đường tây vực kí quyển 5 chép, thì nước Bát la da già chu vi hơn năm nghìn dặm, Đô thành nằm ở cửa giao lưu giữa hai con sông, rộng hơn hai mươi dặm. Lúa mạ xanh tốt, cây quả thì thưa thớt. Khí hậu hoà dịu, phong tục tốt, dân ham học nghề, tin ngoại đạo. Có hai ngôi chùa, rất ít chư tăng, đều học tập giáo pháp Tiểu thứa. Lại có tới vài trăm đền thờ trời, vô số dị đạo. Ở nước này có nhiều nơi di tích của Phật giáo. Trong vườn hoa Chiêm bác ca ở phía tây nam Đô thành, có một tòa tháp do vua A dục xây dựng để đánh dấu nơi đức Phật đã hàng phục ngoại đạo; bên cạnh tháp có ngôi chùa cũ là nơi bồ tát Đề bà đã ở để soạn luận Quảng bách bắt bẻ Tiểu thừa và hàng phục ngoại đạo. Lại trên bờ sông phía đông Đô thành có một Thí trường lớn, là nơi vua chúa và các nhà giàu có làm việc bố thí. Khi ngài Huyền trang ở Ân độ, tại Thí trường này, vua Giới nhật đã bỏ của cải tích góp trong năm năm để cúng dường Tam bảo và cho những mgười nghèo khó đi xin ăn. Đại đường tây vực kí quyển 5 (Đại 51, 897 hạ), nói: Phía đông Thí trường giáp cửa sông, mỗi ngày có tới vài trăm người nhảy xuống sông tự tử. Phong tục xứ này tin rằng, nếu muốn cầu sinh lên cõi trời, thì đến đây nhịn ăn, rồi nhảy xuống sông tắm gội trầm mình cho sạch tội. Do vậy mà những người ở các nước khác cũng đến đây, ngồi nhịn ăn bảy ngày rồi tuyệt mệnh. Nhân đó có thể biết, nơi này từ xa xưa đã là đất Thánh tích phồn thịnh. Lại tên của nước này là Bát la da già, có nghĩa là nơi hi sinh cúng dường. [X. Đại từ ân tựtam tạng pháp sư truyện Q.3].