Bạt Kỳ

Phật Quang Đại Từ Điển

(跋祇) Phạm: Vṛji, Pàli: Vajji. Một trong mười sáu nước lớn ở Ấn độ vào thời đức Phật. Cũng gọi Bạt xà, Tì lê kì, Việt kì, Tì li tử, Phất lật thị. Dịch ý là Tăng thắng (thêm hơn), Tị (tránh đi), Tụ (họp lại). Cũng là tên gọi một chủng tộc ở bắc bộ trung Ấn độ. Cứ theo Đại đường tây vực kí quyển 7 chép, thì chu vi nước này hơn bốn nghìn dặm, chiều đông tây dài, chiều nam bắc hẹp. Đất đai mầu mỡ, hoa quả xanh tốt, khí hậu hơi lạnh, tính người hấp tấp nóng nảy. Dân trong nước phần đông thờ kính ngoại đạo, ít tin Phật pháp, chúng tăng tu học cả Đại thừa và Tiểu thừa. Thủ đô nước này là Chiêm thú noa, nhưng phần nhiều đã đổ nát. Phía tây thành cũ có tháp vua A dục và tháp thờ tóc, móng tay của Phật. Bên bờ sông phía tây thành có di tích đức Phật cứu độ con cá lớn và người đánh cá. Cứ theo Trường a hàm quyển 2 kinh Du hành chép, thì khi vua A xà thế (Phạm: Ajātaśatru) nước Ma yết đà muốn đánh chiếm nước Bạt kì, vua sai đại thần Vũ xá (Phạm: Varṣakāra) đến xin đức Phật chỉ dạy, Ngài bảo, người nước Bạt kì có đủ bảy pháp vững mạnh, cho nên nước ấy yên ổn lâu dài, không thể đánh chiếm được. Bảy pháp đó là: 1. Nhân dân thường cùng nhau hội họp để bàn bạc việc nước. 2. Vua tôi hòa thuận, trên dưới kính trọng nhau. 3. Tuân theo pháp luật, biết giữ các điều cấm. 4. Hiếu thảo với cha mẹ, kính thuận bậc thầy dạy. 5. Cung kính nơi tôn miếu, kính trọng quỷ thần. 6. Việc phòng the chân chính, trinh tiết trong sạch. 7. Kính thờ sa môn, cúng dường ủng hộ không lơ là. Đại thần Vũ xá trở về tâu lại những lời răn dạy của đức Phật cho vua A xà thế nghe, vua bèn bỏ kế hoạch thôn tính nước Bạt kì, đồng thời, cho xây thành Ba lăng phất (Phạm: Pāṭaliputra) để phòng bị. Lại cứ theo Thiện kiến luật tì bà sa quyển 1, luật Tứ phần quyển 54, và luật Ngũ phần quyển 30 chép, thì một trăm năm sau đức Phật nhập diệt 100 năm, tỉ khưu Bạt xà tử (Pàli: Vesālikā Vajjiputtaka bhikkhū) đã đề xướng mười việc hợp pháp mà đã đưa đến sự tranh luận trong giáo đoàn. Ngoài ra, cứ theo Trường bộ kinh bằng tiếngPàli chép, thì phu nhân Vi đề hi, hoàng hậu của vua Tần bà sa la nước Ma yết đà ở thời đại Phật, đã thờ kính Phật, hộ trì Phật pháp, là người nước Tì đề ha thuộc chủng tộc Bạt kì. Cứ theo sự khảo chứng của nhà khảo cổ học người Anh là A. Cunningham, thì vị trí nước này là vùng đất dài độ 480 cây số, rộng chừng 160 cây số, nằm ở khoảng giữa hai con sông Can đạt khắc (Gandak) và Cáp na để (Mahanadi) đều là chi nhánh của sông Hằng. Lại cứ theo sự khảo chứng của học giả châu Âu là Đại vệ tư (Rhys Davids), thì chủng tộc Bạt kì là do tám nước nhỏ kết hợp lại với nhau, rồi tôn chủng tộc Lê xa tì và Tì đề ha làm hai chủng tộc đứng đầu. Đến khoảng thế kỷ thứ VI, chủng tộc Lê xa tì chinh phục nước Ni ba la (tức Ni bạc nhĩ – Népal ngày nay). Khi ngài Huyền trang đến Thiên trúc, thì vua Ương du phạt ma (Phạm: Aôsuvarman) đang trị vì Ấn độ lúc bấy giờ cũng là dòng dõi vua nước Bạt kì. [X. Trung a hàm Q.55 kinh Trì trai; Trường a hàm Q.5 kinh Xà ni sa; kinh Hiền ngu Q.2 phẩm Hàng lục sư; kinh Pháp cú thí dụ Q.4 phẩm Nê hoàn; Hữu bộ tì nại da Dược sự Q.6; Huyền ứng âm nghĩa Q.23; Phiên Phạm ngữ Q.8; A. Cunningham: Ancient geography of India; T. Watters: On Yuan Chwang, vol.II; T. W. Rhys Davids: Buddhist India].