bất khả tư nghị

Phật Quang Đại Từ Điển

(不可思議) I. Bất khả tư nghị. Không thể nghĩ bàn. Phạm:a-cintya. Cũng gọi Bất tư nghị, Nan tư nghị (khó nghĩ bàn). Chỉ cho cảnh giới không thể nghĩ lường nói năng được. Chủ yếu được dùng để hình dung cảnh giới giác ngộ của chư Phật Bồ tát, cùng với sự mầu nhiệm sâu xa của trí tuệ và sức thần thông. Đối với những sự lí sâu xa mầu nhiệm và thần kì, không thể nhờ vào suy xét hoặc bàn thảo mà biết được, người đời cũng thường dùng bất khả tư nghị để hình dung. Nhưng từ ngữ này đã được viện dẫn từ kinh điển Phật. Kinh Tăng nhất a hàm quyển 18 nói, thế giới, chúng sinh, rồng, cảnh giới Phật là bốn cái không thể nghĩ bàn. Kinh Đại bảo tích quyển 86 cũng nêu: nghiệp, rồng, thiền, Phật là bốn cảnh giới không thể nghĩ bàn. Luận Đại trí độ quyển 30 thì bảo: chúng sinh nhiều ít (chúng sinh không thêm không bớt), nghiệp quả báo (tất cả quả báo sai khác do sức nghiệp mà sinh), sức người ngồi thiền (do sức thiền định mà hiện thần thông), sức các rồng (một giọt nước của rồng trút xuống làm trận mưa lớn), sức của chư Phật (đức Phật đã thành tựu đầy đủ mười lực) v.v…, năm thứ kể trên đều không thể nghĩ bàn. Lại kinh Hoa nghiêm (bản dịch cũ) quyển 30 phẩm Phật bất khả tư nghị pháp, cũng nêu ra mười thứ không thể nghĩ bàn của chư Phật là: cõi nước, tịnh nguyện, chủng tính, xuất thế, pháp thân, âm thanh, trí tuệ, sức thần tự tại, vô ngại trụ, giải thoát v.v… Cũng kinh trên, quyển 37 phẩm Li thế gian còn ghi chép mười thứ không thể nghĩ bàn của Bồ tát. Những ghi chép trên đây đều nhằm nói rõ rằng, sự giải thoát, trí tuệ, sức thần thông v.v… của chư Phật và Bồ tát không thể dùng lời nói mà diễn tả, hoặc suy tư mà biết được. Thêm nữa, kinh Hoa nghiêm và kinh Duy ma được gọi là kinh Bất khả tư nghị giải thoát, đức Phật A di đà được gọi là Bất khả tư nghị quang như lai, Bồ tát được gọi là Bất khả tư nghị bồ tát, Nan tư nghị bồ tát v.v… đều thuộc những trường hợp kể trên. (xt. Tứ Bất Tư Nghị). II. Bất khả tư nghị. Vị tăng đời Đường. Người nước Tân la ở chùa Linh diệu, tên là Bất khả tư nghị, làm đệ tử ngài Thiện vô úy. Vào cuối năm Khai nguyên (713-741), sư có soạn Đại nhật kinh cúng dường thứ đệ pháp sớ 2 quyển, người thời bấy giờ gọi là Bất tư nghị sớ. Còn những sự tích khác về sư không được rõ.