bát hoàn biện kiến

Phật Quang Đại Từ Điển

(八還辯見) Hoàn, nghĩa là trở lại. Các tướng biến hóa ở thế gian đều trở lại nơi gốc mà từ đó chúng đã phát ra, gồm có tám loại, gọi là Bát hoàn. Biện, nghĩa là phân biệt. Kiến, tức là tính hay thấy. Bát hoàn biện kiến, là dùng tám loại cảnh (đối tượng) bị thấy (sở kiến) có thể trở lại, hoặc trả về để biện minh cho tính hay thấy (năng kiến) không trở lại, không thể trả về. Cứ theo Kinh lăng nghiêm quyển 2 chép, thì tôn giả A nan không biết được cái lí Cảnh trần (cảnh bụi) có sinh diệt, tính thấy thì không lay động, mà nhận lầm duyên trần, theo trần phân biệt, nên đức Như lai mới dùng tâm, cảnh để biện minh chân, vọng. Nói về tâm thì Như lai bảo Ta sẽ chỉ cho ông biết không có chỗ trở về. Nói về cảnh thì Như lai bảo Nay ta trả nó trở lại nơi mà từ đó nó đã xuất phát, để hiển bày cảnh bị thấy có thể trả về, còn tính hay thấy thì không thể trả về. Cho nên mới dùng tám loại tướng biến hóa để biện minh. 1. Sáng trả về mặt trời. Có mặt trời thì sáng, không mặt trời thì tối, như vậy, sáng là từ mặt trời, cho nên lại trả về mặt trời. Nhưng sáng là trần cảnh (Cảnh bụi = đối tượng) bị trông thấy, chứ không phải tính hay thấy. Vì trần cảnh thì có sinh diệt, còn tính thấy thì vốn không sinh diệt, cho nên cái sáng bị thấy có thể trả về, còn cái tính hay thấy thì không thể trả về. 2. Tối trả về tháng đen (hắc nguyệt = từ ngày 16 đến ngày 29 hoặc 30), vì tháng trắng (bạch nguyệt = từ ngày 1 đến ngày 15) thì sáng, tháng đen thì tối. Như vậy, tối là từ tháng đen, lại trả trở về tháng đen. Cho nên biết cái tối bị thấy có thể trả về, còn cái tính hay thấy thì không thể trả về. Nếu tính hay thấy có thể trả về thì, khi không tối, cũng lại không thấy sáng. 3. Thông thoáng trả về cửa sổ. Vì có cửa sổ nên thấy thông thoáng, nếu không có cửa sổ thì không thấy thông thoáng. Như vậy, thông thoáng thuộc về cửa sổ, cho nên trả về cửa sổ. Bởi thế nên biết, cái thông thoáng bị thấy thì có thể trả về, mà tính hay thấy thì không thể trả về. Nếu tính hay thấy cũng có thể trả về, thì ở chỗ không thông thoáng, cũng lại không thấy cái lấp bít. 4. Lấp bít trả về tường vách. Vì có tường vách nên thấy lấp bít, nếu không có tường vách thì không có lấp bít. Như vậy, lấp bít thuộc về tường vách, cho nên lại trả về tường vách. Bởi thế nên biết, cái lấp bít bị thấy có thể trả về, nhưng cái tính hay thấy thì không thể trả về. Nếu tính hay thấy cũng có thể trả về, thì khi không lấp bít, cũng lại không thấy cái thông thoáng. 5. Các duyên trả về cho phân biệt. Duyên, là nghĩa buộc, là thuộc với nhau. Nghĩa là có chỗ phân biệt đối đãi, thì có tướng được duyên theo, nếu không có năm trần (sắc thanh hương vị xúc) làm đối tượng, thì không có tướng duyên theo (mắt tai mũi lưỡi thân) để phân biệt. Như vậy, duyên thuộc phân biệt, cho nên lại trả về phân biệt. Bởi thế nên biết cái tướng duyên bị phân biệt có thể trả về, còn cái tính hay phân biệt thì không thể trả về. Nếu tính hay phân biệt cũng có thể trả về, thì khi không duyên theo cảnh, cũng lại không biết có phân biệt. 6. Không hay biết, không hình tướng, trả về hư không. Nghĩa là không có hình tướng thì không bị trở ngại, có thể tràn khắp hư không. Nếu có hình tướng, thì không thấy khoảng rỗng không. Như vậy, không hình tướng lại trả về không. Bởi thế nên biết, cái rỗng không có thể trả về, còn tính hay thấy thì không thể trả về. Nếu tính hay thấy cũng có thể trả về, thì khi rỗng không, cũng lại không thấy hình tướng. 7. Vì có bụi, nên có bụi mù, nếu không có bụi thì không có bụi mù. Như vậy, bụi mù thuộc về bụi, cho nên trả về bụi. Bởi thế nên biết, bụi mù được trông thấy có thể trả về, còn tính hay thấy thì không thể trả về. Nếu tính hay thấy cũng có thể trả về, thì khi không có bụi , cũng chẳng thể thấy cái sáng rõ. 8. Quang đãng thì thấy sáng sủa, âm u thì không thấy sáng sủa. Như vậy, sáng sủa thuộc về quang đãng, vì thế lại trả về quang đãng. Cho nên biết cái sáng sủa thuộc về quang đãng, vì thế lại trả về quang đãng. Cho nên biết cái sáng sủa được trông thấy có thể trả về, nhưng tính hay thấy thì không thể trả về. Nếu tính hay thấy cũng có thể trả về, thì khi không sáng sủa cũng lại chẳng thấy sự u ám. [X. Lăng nghiêm kinh giảng nghĩa (Viên anh); Lăng nghiêm đại nghĩa kim thích (Nam hoài cẩn)].