bất giác

Phật Quang Đại Từ Điển

(不覺) I. Bất giác. Không tỉnh biết. Đối lại với Giác. Không đủ trí sáng để thấu suốt chân tướng của muôn vật. Tức cũng hàm ý là vô minh thình lình dấy lên. Luận Đại thừa khởi tín chia thức A lại da làm hai nghĩa giác và bất giác. Bất giác lại có thể chia làm hai thứ: căn bản bất giác và chi mạt bất giác. Căn bản bất giác, nghĩa là vì vô minh che lấp mất chân tính, nên chúng sinh hoàn toàn không biết gì về chân như, vốn là pháp một vị bình đẳng. Còn chi mạt bất giác là do căn bản bất giác sinh ra, nên chúng sinh mới chấp bậy các pháp, rồi từ đó dấy lên ba tướng nhỏ, sáu tướng thô, như: nghiệp tướng, chuyển tướng v.v… Như vậy, từ căn bản bất giác sinh ra chi mạt bất giác, rồi nương nơi chi mạt bất giác mà dấy sinh các nghiệp phiền não, để phải chịu cái khổ sống chết trôi lăn. (xt. Giác). II. Bất giác. Một trong bốn giai vị của Thủy giác. Những người ngoại phàm thuộc ngôi Thập tín, tin lí nhân quả thiện ác, niệm trước nghĩ ác liền biết, nên niệm sau không khởi ác. Nghĩa là giai vị này tuy có một phần giác, nhưng hãy chưa biết gì về phiền não, cho nên gọi là bất giác. Tức tuy biết lí nghiệp quả, nhưng chưa sinh khởi trí dứt phiền não, cho nên gọi bất giác, là tướng diệt của tâm giác. [X. luận Đại thừa khởi tín; Đại thừa khởi tín luận nghĩa kí Q.trung]. (xt. Thủy Giác).