bất động thập tứ căn bản ấn

Phật Quang Đại Từ Điển

(不動十四根本印) Mười bốn ấn căn bản bất động. Cũng gọi Căn bản ấn minh. Là mười bốn ấn khế của Bất động minh vương trong Mật giáo. Về thứ tự và tướng ấn của mười bốn ấn này, các kinh quĩ nói có hơi khác nhau. Theo mười bốn loại được chép trong Bất động lập ấn quĩ là: 1. Căn bản bí mật ấn, cũng gọi Châm ấn, Độc cồ ấn. Tức hai tay đan lại ở bên trong, hai ngón cái để ở bên cạnh hai ngón vô danh, đầu hai ngón giữa để ở trước hai ngón cái, hai ngón trỏ dựng thẳng dính vào nhau. Hai ngón trỏ tượng trưng gươm, hai ngón cái, hai ngón vô danh tượng trưng giây lụa. Hoặc hai ngón vô danh, hai ngón giữa tượng trưng bốn ma, lấy hai ngón cái đè lên, biểu thị nghĩa hàng phục bốn ma. 2. Bảo sơn ấn, hai tay đan lại ở bên trong, hai ngón cái để trong lòng bàn tay, làm thành cái tòa ngồi tựa như phiến đá lớn, biểu thị nghĩa không chuyển động. 3. Đầu ấn, hai tay làm nắm tay Kim cương, nắm tay phải để ngửa, nắm tay trái úp lên trên nắm phải. Đây là hình búi tóc. 4. Nhãn ấn (ấn mắt), hai tay đan bên trong, hai ngón cái đưa vào lòng bàn tay, hai ngón trỏ chặp lại dựng đứng, đem ấn đặt ở hai mắt và giữa chân mày, tượng trưng trí của ba bộ, hoặc hai bộ và mắt trí chẳng hai. 5. Khẩu ấn (ấn mồm), hai ngón út tréo nhau ở trong, hai ngón vô danh đè ở khoảng tréo của hai ngón út, hai ngón giữa duỗi đều, hai ngón cái ấn thêm vào móng của ngón vô danh, hai ngón trỏ đều ấn thêm vào móng của ngón giữa. Đem ấn đặt ở miệng, hoặc lấy hai ngón cái làm môi dưới, hai ngón trỏ làm môi trên, khoảng giữa đó là hình cái miệng, đây là miệng Đại không tam muội, đầu hai ngón út hiện ra, tượng trưng hai răng nanh. 6. Tâm ấn, hai tay chắp lại, giữa lòng bàn tay rỗng, hai ngón trỏ, hai ngón cái làm dáng như khảy móng tay, tức là giống với ấn Đại tuệ đao (dao đại trí tuệ). Tâm ấn là tâm chân thật bền chắc của Bất động tôn, tượng trưng muôn đức ở trong tâm. 7. Tứ xứ gia trì ấn (ấn chú nguyện ở bốn chỗ). Cũng gọi giáp ấn. Hai tay chắp lại, lòng bàn tay rỗng, hai ngón giữa dựng đứng, hình dáng như cây cờ, hai ngón trỏ để ở lóng đầu của ngón giữa, hai ngón vô danh làm hình báu, hai ngón út, hai ngón cái đứng tản ra, ấn để ở bốn chỗ là tim, hai vai, cổ họng rồi xả ra ở trên đỉnh đầu. Dùng ấn này gia trì bốn chỗ của thân, liền thành thân bất động. 8. Sư tử phấn tấn ấn (ấn sư tử ra sức mau chóng). Như ấn trước, dựng thẳng ngón trỏ của tay phải và lay động, làm hình sư tử nhún mình chồm tới. Sư tử tượng trưng tâm bồ đề. 9. Hỏa diệm ấn (ấn ngọn lửa). Lấy ngón cái của tay phải ấn vào móng ngón giữa, ngón vô danh, ngón trỏ dựng đứng, chống vào chân của ngón giữa trong bàn tay trái. Là nghĩa dùng giáo phong đại bi của Phật mà dẫn phát lửa trí của chúng sinh. 10. Hỏa diệm luân chỉ ấn (ấn ngăn chặn bánh xe lửa). Cũng gọi Chế hỏa ấn, Già hỏa ấn. Ngón cái của hai tay đều để ở khoảng giữa (kẽ tay) của ngón trỏ và ngón giữa, hai tay nắm, xoay lưng hợp lại. Nếu gió (ngón trỏ) ở gần lửa (ngón giữa), thì lửa càng mạnh, nếu giữa lửa và gió có hư không (ngón cái ngăn cách), thì lửa tự diệt. Ân này tượng trưng nghĩa dùng trí đại không diệt lửa nghiệp phiền não. 11. Thương khư ấn (ấn tù và pháp). Ngón cái của tay trái tay phải đều ấn vào ngón vô danh, ngón út, hai ngón giữa dựng thẳng chặp lại, ngón trỏ tay phải dính vào lóng (đốt) ngón giữa, ngón trỏ tay trái đứng thẳng. Tù và pháp tức là nghĩa nói pháp. 12. Khát nga ấn (ấn gươm). Về ấn này, các Quĩ và phẩm Mật ấn trong kinh Đại nhật nói đều giống nhau: ngón trỏ, ngón giữa của tay trái duỗi ra, lấy ngón cái đè lên móng ngón út làm thành hình dáng cái bao gươm, tay phải cũng như thế làm thành hình cây gươm. Bàn tay hình bao gươm ngửa lên, bàn tay hình cây gươm úp xuống đặt ở trên tay hình bao gươm. Trong ấn này, hai ngón trỏ tượng trưng thân không lay động; hoặc ngón vô danh, ngón út ấn vào ngón cái, biểu thị Đại nhật (mặt trời lớn) của hai bộ Kim cương, Thai tạng. 13. Quyên sách ấn (ấn giây lụa), lấy ngón cái của tay phải đè lên móng của ba ngón giữa, vô danh và út, ngón trỏ duỗi thẳng, đặt vào lòng bàn tay trái, dùng ba ngón giữa, vô danh, út của tay trái nắm lấy nó, đầu ngón cái tay trái bấm vào đầu ngón trỏ tay trái làm thành hình vòng tròn, tượng trưng vòng giây lụa mà Minh vương cầm ở tay.14. Tam cồ Kim cương ấn (ấn Kim cương ba chẽ). Lấy đầu ngón cái của tay phải bấm vào đầu ngón trỏ, còn ba ngón kia duỗi thẳng ra, làm thành hình ba chẽ (chạc). [X. kinh Để lí tam muội da; Bất động sứ giả pháp].