bất định giáo

Phật Quang Đại Từ Điển

(不定教) Một trong ba giáo, một trong bốn giáo hóa nghi. Tức là giáo hóa nghi không thuộc hai giáo Đốn và Tiệm. Cũng gọi Đắc ích bất định hóa nghi. Theo Pháp hoa kinh huyền nghĩa quyển 10 phần trên và Hoa nghiêm kinh sớ quyển 1 nói, thì các sư ở miền Nam, Trung (Trung quốc) cho các kinh Thắng man, Kim quang minh v.v… là không câu nệ thứ tự đốn tiệm, rõ được ý chỉ tính Phật thường trụ, gọi là Thiên phương bất định giáo. Nhưng, ngài Trí khải tông Thiên thai phản đối thuyết này, cho rằng Bất định là nghĩa Nhất âm dị giải (Phật chỉ dùng một tiếng nói pháp, nhưng chúng sinh tùy căn tính sai biệt mà hiểu khác nhau), trong năm vị (nhũ, lạc, sinh tô, thục tô, đề hồ) gồm có cả. Lại lập Hiển lộ bất định và Bí mật bất định khác nhau, rồi cùng với hai giáo Đốn, Tiệm gọi chung là bốn giáo hóa nghi. Cứ theo Pháp hoa huyền nghĩa quyển 1 phần trên và Bát giáo đại ý nói, thì đức Phật dùng một tiếng nói pháp, nhờ sức thần chẳng thể nghĩ bàn của Như lai, có thể khiến chúng sinh trong khi nghe nói Tiệm giáo mà được lợi ích Đốn giáo, trong khi nghe nói Đốn giáo mà được lợi ích Tiệm giáo. Vì được lợi ích không giống nhau, nên gọi là Hiển lộ bất định giáo. Lại nữa, Tam luân của Như lai không thể nghĩ bàn: đối với người này nói đốn, đối với người kia nói tiệm, khiến mỗi người đều được ích lợi, mà họ không hay biết lẫn nhau, gọi là Bí mật bất định giáo. [X. Pháp hoa kinh huyền nghĩa Q.5 phần dưới; Ma ha chỉ quán Q.1 phần trên; Ma ha chỉ quán phụ hành giảng nghĩa Q.1]. (xt. Tam Giáo, Hóa Nghi Tứ Giáo).