bạt đầu

Phật Quang Đại Từ Điển

(拔頭) Một trong tám thứ vũ nhạc của xứ Lâm ấp. Cũng gọi Phát đầu, Bát đầu. Cứ theo Thông điển quyển 146 chép, thì vũ nhạc bắt đầu có xuất xứ từ Tây vực, nhân một người Hồ bị mãnh thú cắn, con ông ta đi tìm mãnh thú để giết, người sau mới phỏng theo mẩu truyện cổ này mà soạn thành điệu múa. Cứ theo Giáo huấn sao quyển 4 chép, thì khúc nhạc này là nhạc Thiên trúc, do Bà la môn truyền đến, không rõ tác giả. Cứ theo Nguyên hanh thích thư quyển 15 chép, thì bạt đầu do sa môn Phật triết nước Lâm ấp truyền vào Nhật bản. Lại theo sự khảo cứu của ông Cao nam thuận thứ lang người Nhật cho rằng, vũ nhạc này do thần thoại Bội lỗ vương (Phạm: Pedu), ở thời đại Phệ đà tại Ấn độ biên soạn thành vũ khúc. Bội lỗ vương có con tuấn mã tên là Mạt đắc ngõa (Phạm: Paidva), cho nên bạt đầu hoặc là dịch âm từ Pedu hoặc từ Paidva. Cứ theo Nhạc phủ tạp lục chép, thì những người biểu diễn vũ nhạc này đều xõa tóc, mặc áo trắng, cất tiếng khóc. [X. Nam thiên trúc Bà la môn tăng chính bi; Đông đại tự yếu lục Q.2 Đại an tự Bồ đề truyền lai kí].