Bất đãn Không

Từ Điển Đạo Uyển

不但空; C: bùdànkōng; J: futan-kū; nghĩa là “không chỉ là Không”;

Thuật ngữ dùng để chỉ sự nhận thức rằng, Chân tính hoặc Phật tính của
tất cả các hiện tượng, của hiện hữu chẳng thuộc “có” thuộc “không” là cả
hai, nhưng lại không phải là cái này hoặc cái kia, tuỳ theo lập trường
của người quán sát sự vật. Theo Tâm kinh thì có thể gọi là “Không tức
thị sắc, sắc tức thị không.”

Danh từ “Bất đãn không” được dùng để đối lại quan niệm “Ðãn không” (j:
tan-kū), “chỉ có không”, một cách nhìn rất giới hạn của một vài tông
phái Phật giáo. Các phái này sử dụng phương pháp biện chứng để chứng
minh rằng, tất cả đều là không, là trống rỗng và từ đó, họ phủ nhận cả
sự hiện hữu của vạn vật – có thể gọi là “chấp không.” Cái đơn vị, nhất
thể của Không và Sắc như Tâm kinh chỉ dạy không thể đạt được qua sự biện
luận chứng minh, mà chỉ được trực nhận khi hành giả Kiến tính, ngộ đạo
thâm sâu.