bát đại tự tại ngã

Phật Quang Đại Từ Điển

(八大自在我) Cái ta có tám thứ tự tại lớn. Ngã, là nghĩa tự tại không ngại, một trong bốn đức Thường, Lạc, Ngã, Tịnh trong kinh Niết bàn. Đại ngã tức là pháp thân của Như lai, đầy đủ tám thứ đại tự tại, cho nên gọi là Bát đại tự tại ngã. Cũng gọi Bát tự tại, Bát biến hóa, Bát thần biến. Đó là: 1. Có thể hiển bày một thân làm nhiều thân. 2. Hiển bày thân một mảy bụi đầy khắp ba nghìn thế giới. 3. Thân to lớn, nhưng nhẹ nhàng lướt đi xa. 4. Hiện vô lượng loại thường ở. 5. Các căn được dùng lẫn cho nhau, tức mắt có thể nghe, tai có thể thấy… 6. Được hết thảy pháp nhưng không có ý tưởng được. 7. Nói nghĩa của một bài kệ trải vô lượng kiếp. 8. Thân biến khắp nơi cũng như hư không. Tuy nhiên, các kinh nói hơi khác nhau. Cứ theo Pháp giới thứ đệ sơ môn quyển hạ chép thì: 1. Có thể dùng sức biến hóa làm cho thân mình thân người và thế giới trở thành hạt bụi cực nhỏ. 2. Có thể dùng sức biến hóa làm cho thân mình thân người và thế giới tràn đầy cõi hư không cực lớn. 3. Có thể dùng sức biến hóa làm cho thân mình thân người và thế giới trở nên cực nhẹ như mảy lông hồng 4. Có thể dùng sức biến hóa lớn nhỏ dài ngắn… chuyển hóa một cách tự tại. 5. Có thể dùng sức biến hóa tự biến mình thành người lớn, người nhỏ, nhưng lòng không cao thấp, hàng phục hết thảy, nhiếp thụ tất cả. 6. Dùng sức biến hóa có thể đến nơi xa xôi bằng bốn cách: bay đi nơi xa, lặn ở đây hiện ở kia, dời xa lại gần không đi mà tới, trong một niệm biến khắp mười phương. 7. Dùng sức biến hóa khiến quả đất nổi lên sáu thứ chấn động hoặc mười tám thứ chấn động. 8. Dùng sức biến hóa có thể một thân làm ra nhiều thân, nhiều thân thu vào một thân, đi qua vách núi thẳng đứng, dẫm lên nước lửa, đi trong hư không, chuyển bốn đại, biến đất làm nước, biến đá làm vàng… đều được như ý. [X. kinh Niết bàn (bản Bắc) Q.23; Đại minh tam tạng pháp số Q.21].