bất cộng tướng

Phật Quang Đại Từ Điển

(不共相) Tướng không chung. Cũng gọi Tự tướng. Đối lại với Cộng tướng (tướng chung). Nghĩa là cái tướng riêng của một người cảm được, một người thụ dụng, ví như chính báo năm căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân trong sắc pháp. Chủng tử nhân duyên gần của chính báo gọi là chủng tử tướng riêng, được sự giúp đỡ của chủng tử nghiệp riêng mà khởi hiện hành, tức là chính báo riêng. Loại chính báo riêng được chia làm hai thứ: riêng trong riêng và riêng trong chung. Như Thắng nghĩa căn (thực thể của năm căn) trong năm căn là chỗ nương dùng riêng cho thức của mình, chứ không dùng chung với người khác, vì thế gọi là cái riêng trong cái riêng. Phù trần căn (hình ngoài của năm căn), tuy mỗi người cũng có năm căn riêng khác nhau, nhưng thụ dụng chung với người khác, nên gọi là cái chung trong cái riêng. [X. luận Thành duy thức 1; Thành duy thức luận thuật kí Q.3 phần đầu]. (xt. Cộng Tướng).