bất cộng hứa

Phật Quang Đại Từ Điển

(不共許) Không cùng thừa nhận. Tiếng dùng trong Nhân minh. Hứa, hàm có nghĩa là đồng ý, thừa nhận. Trong luận thức Nhân minh, điều kiện lập luận không được cả đôi bên người lập luận và người vấn nạn đều đồng ý thừa nhận, thì gọi là Bất cộng hứa. Đứng về phương diện Tông y (chủ từ và khách từ của Tông) mà bàn, trong trường hợp Cộng tỉ lượng (sự suy lí được cả người lập luận và người vấn nạn đều thừa nhận), thì hai Tông y đều phải được cả đôi bên đồng ý (cộng hứa). Còn trong trường hợp Tự tỉ lượng (luận thức chỉ do người lập luận thừa nhận), hoặc Tha tỉ lượng (luận thức chỉ do người vấn nạn thừa nhận), thì có thể cả đôi bên không đồng ý. Bất cộng hứa (không cùng thừa nhận) và Cộng bất hứa (cùng không thừa nhận), ý nghĩa có khác nhau. Người lập luận và người vấn nạn đều không thừa nhận, hoặc một bên thừa nhận, một bên không, đều là Bất cộng hứa, cho nên Cộng bất hứa chỉ là một thứ Bất cộng hứa. Thế nhưng, để phân biệt, Nhân minh gọi việc cả đôi bên không thừa nhận là Lưỡng câu bất hứa (đôi bên đều không thừa nhận), còn gọi một bên thừa nhận, một bên không thừa nhận là Tùy nhất bất hứa (theo một bên không thừa nhận). Tùy nhất bất hứa lại chia làm hai thứ: 1. Người lập luận không thừa nhận, còn người vấn nạn thừa nhận, gọi là Tự tùy nhất bất hứa (theo bên mình không thừa nhận). 2. Người lập luận thừa nhận mà người vấn nạn không thừa nhận, thì gọi là Tha tùy nhất bất hứa (theo bên người khác không thừa nhận). Cộng hứa (cùng đồng ý) tức là rất thành. Tự tùy nhất bất hứa (mình không đồng ý mà người đồng ý), nếu đứng về phương diện người đồng ý mà nói, thì có thể gọi là Tha cực thành (người rất thành). Tha tùy nhất bất hứa (mình đồng ý mà người không đồng ý), thì cũng như trường hợp ở trên, có thể gọi là Tự cực thành (mình rất thành). Người lập luận và người vấn nạn cùng đồng ý về Tiền trần (đoạn trước của Tông) là có thực, gọi là Hữu thể; cả đôi bên cùng đồng ý về Hậu trần (đoạn sau của Tông) là có thực, thì gọi là Hữu nghĩa. Đôi bên không cùng thừa nhận Tiền trần có thực, gọi là Vô thể, không cùng thừa nhận Hậu trần có thực, thì gọi là Vô nghĩa. Thể và Nghĩa ý nghĩa như nhau, chỉ vì vị trí của chúng khác nhau mà phân biệt là thể, nghĩa. Bất cộng hứa đã được chia làm Lưỡng câu bất hứa và Tùy nhất bất hứa, thì Vô thể và Vô nghĩa cũng phải chia làm hai thứ: 1. Lưỡng câu vô thể hoặc vô nghĩa (cả hai đều không có thể hoặc không có nghĩa). 2. Tùy nhất vô thể hoặc vô nghĩa (theo một bên không có thể hoặc không có nghĩa). Tùy theo một bên không có thể hoặc không có nghĩa là giống nhau, tên gọi có, không tuy trái nhau, nhưng sự kiện được ám chỉ thì là một, chỉ vì nhận xét theo góc độ bất đồng, nên tên gọi có khác. Cả đôi bên, tùy theo một bên, không có thể, không có nghĩa, tuy bày tỏ cùng đồng ý, một bên đồng ý, một bên không, nhưng chưa nêu rõ giữa người lập luận và người vấn nạn, ai đồng ý, ai không đồng ý, cho nên có thể không thể và có nghĩa không nghĩa nên chia làm bốn loại: 1. Cả người lập luận và người vấn nạn đều thừa nhận có thực, thì gọi là Lưỡng câu hữu thể hoặc hữa nghĩa. 2. Cả đôi bên đều không thừa nhận là có thực, thì gọi là Lưỡng câu vô thể hoặc vô nghĩa. 3. Người lập luận thừa nhận có thực mà người vấn nạn không thừa nhận, gọi là Tự hữu tha vô thể, hoặc Tự hữu tha vô nghĩa (mình có thể, người không có thể, hoặc mình có nghĩa, người không có nghĩa). 4. Người vấn nạn thừa nhận có thực mà người lập luận không thừa nhận, thì gọi là Tha hữu tự vô thể, hoặc Tha hữu tự vô nghĩa (người có thể mình không có thể, hoặc người có nghĩa mình không có nghĩa). [X. luận Nhân minh nhập chính lí; Nhân minh nhập chính lí luận ngộ tha môn thiển thích]. (xt. Cộng Hứa Pháp, Nhân Minh, Cực Thành).