bất cộng bất định quá

Phật Quang Đại Từ Điển

Lỗi bất cộng bất định. Tiếng dùng trong Nhân minh. Một trong sáu bất định, một trong mười bốn lỗi của Nhân trong ba mươi ba lỗi Nhân minh. Chỉ cho Nhân thiếu tướng thứ hai trong ba tướng Nhân, là lỗi Nhân không có liên quan đến đồng phẩm và dị phẩm (tức hoàn toàn không dính dáng gì đến Tông). Luận Nhân minh nhập chính lí nêu ra trường hợp Thanh luận sư đối với đệ tử Phật, lập luận thức: Tiếng nói là thường trụ (Tông, mệnh đề) vì là tính được nghe (sở văn tính) (Nhân, lí do), như hư không (đồng dụ), như cái bình (dị dụ). Trong luận thức trên đây, hai thứ đồng dụ và dị dụ đều chẳng phải tính được nghe, tức đồng phẩm và dị phẩm đều không liên quan gì với Nhân. Vả lại, ngoài hai tính thường trụ và vô thường của tiếng nói ra, cũng không pháp nào ở đây có tính được nghe. Cho nên Nhân trong luận thức này là Nhân bất định, bởi vì nó đã không quyết định được tính thường trụ của Tông (tiếng nói), mà cũng chẳng thành tựu tính vô thường của dị phẩm, tức nó có lỗi bất cộng bất định. [X. Nhân minh nhập chính lí luận sớ Q.trung phần đầu; Nhân minh nhập chính lí luận nghĩa toản yếu]. (xt. Tam Thập Tam Quá, Lục Bất Định Quá, Nhân Thập Tứ Quá).