bát chủng thụ kí

Phật Quang Đại Từ Điển

(八種授記) Tám phương pháp thụ kí (trao ghi). Thụ kí, nghĩa là đối với chúng sinh phát tâm tu hành, đức Phật trao cho lời ghi nhận trước là trong vị lai, nhất định được thành Phật. Căn cứ vào sự hay biết hoặc không hay biết mà chia làm tám phương pháp : 1. Mình biết người khác không biết. Nghĩa là phát tâm mà mới tự mình phát thề nguyền, chứ chưa rộng đến người khác, chưa được bốn chỗ không sợ, chưa được phương tiện khéo léo. 2. Mọi người biết hết, chỉ có mình không biết. Nghĩa là phát tâm rộng lớn, được chỗ không sợ, được gốc lành. 3. Mình và mọi người đều biết. Nghĩa là ở vào ngôi thứ bảy được không sợ, được phương tiện khéo léo, được không quán. 4. Mình và mọi người đều không biết. Nghĩa là chưa vào được ngôi thứ bảy, chưa được không quán, chưa được hạnh không chấp trước. 5. Gần biết xa không biết. Nghĩa là các căn đầy đủ không bỏ hạnh vô trước của Như lai, như bồ tát Di lặc. 6. Xa biết gần không biết. Nghĩa là chưa có khả năng diễn nói các hạnh của Thánh hiền, như ngài Sư tử ưng. 7. Gần xa đều biết. Nghĩa là các căn đầy đủ, không sợ bỏ hạnh vô trước, đi khắp các thế giới trong mười phương, làm các việc không thể nghĩ bàn để hiển bày thần đức của Phật, như bồ tát Nhu thuận. 8. Gần xa đều chưa biết. Nghĩa là chưa được giác ngộ, đều không thể biết hết các hạnh ẩn kín của Như lai, như bồ tát Đẳng hành. [X. Pháp hoa văn cú Q.7 thượng]. (xt. Thụ Kí).