bát chủng mậu

Phật Quang Đại Từ Điển

(八種謬) Tám thứ sai lầm xằng bậy, hay làm cho chúng sinh gây ra các phiền não để rồi bị trói buộc và vòng quanh trong ba cõi. 1. Tính sai lầm. Nghĩa là đối với sắc, luôn nghĩ tưởng về sắc, gọi là tính sai lầm. 2. Phân biệt sai lầm. Nghĩa là phân biệt sắc là sắc, chẳng phải sắc, sắc có thể thấy không thể thấy, sắc có đối hay không có đối v.v… gọi là phân biệt sai lầm. 3.Tích tụ sai lầm. Nghĩa là ở trong sắc thấy ta, thấy chúng sinh, sĩ phu, mệnh sống, nhà cửa, bốn chúng, quân đoàn, áo, ăn, hoa sen, xe cộ, cây cối, tích chứa, … cứ thế trong các thứ ấy đều nghĩ tưởng một tướng, gọi là tích tụ sai lầm. 4. Sai lầm về cái ta. 5. Sai lầm về cái của ta. Đối với các pháp hữu lậu chấp ta, của ta, trong vô lượng kiếp thường sinh chấp trước ta, của ta, gọi là sai lầm về ta, của ta. 6. Sai lầm về yêu đương. Nghĩa là đối với các thứ nhớp nhúa, lòng sinh đắm đuối. 7. Sai lầm về không ưa thích. Nghĩa là đối với các vật nhớp nhúa, sinh tâm tức giận. 8. Sai lầm về chẳng phải ưa thích chẳng phải không ưa thích. Nghĩa là đối với tất cả các vật sạch không sạch sinh tâm tham đắm và tức giận. Ba thứ sai lầm đầu (1,2,3) là cội rễ của hết thảy sự sai lầm, chấp tính, chấp tên là do không hiểu rộng, từ đó đắp đổi sinh ra vô lượng sai lầm. Sai lầm về ta, của ta gọi là ngã kiến (thấy có ta); ngã kiến lại là gốc của các kiến. Hai cái sai lầm này là căn nguyên của các kiến. Ba thứ sai lầm sau (6,7,8) là do tham sân si mà sinh. [X. kinh Bồ tát thiện giới Q.2].