bát chu tam muội kinh

Phật Quang Đại Từ Điển

Phạm: Pratyutpanna-buddhasamukhàva-sthita-samàdhi-sùtra. Gồm ba quyển. Còn gọi là Thập phương hiện tại Phật tất tại tiền lập định kinh. Thu vào Đại chính tạng tập 13. Do Chi Lâu Ca Sấm dịch vào năm Quang hòa thứ 2 (179) đời Linh đế nhà Đông Hán. Toàn bộ kinh chia làm mười sáu phẩm. Nội dung tường thuật việc đức Phật thuyết pháp cho Bồ tát Hiền hộ nghe. Bản tiếng Phạm của kinh này đã thất lạc. Cứ theo Khai nguyên thích giáo lục chép, kinh này vốn có bảy loại bản Hán dịch, nhưng hiện còn thì chỉ có bốn bản, trong số bốn bản, thì Bạt pha Bồ tát kinh (mất tên người dịch) là bản dịch sớm nhất. Lại theo kinh Đại tập phận Hiền hộ phẩm Giới hạnh cụ túc ghi chép, một trăm năm thứ năm sau Phật nhập diệt, khi chính pháp gần diệt, các nước công phạt lẫn nhau, thì chính lúc đó, kinh này lưu hành ở cõi Diêm phù đề. Nói cách khác, kinh Ban chu tam muội được biên soạn vào khoảng thế kỉ I trước hoặc sau Tây lịch. Ban chu (Phạm: pratyutpanna) hàm ý là hiện tiền, Phật đứng. Tức nói những người tu Ban chu tam muội có thể thấy chư Phật mười phương đứng ngay trước mắt. Trong các kinh điển hiện còn của Đại thừa, kinh này là tác phẩm ở thời kì sớm nhất có liên quan đến kinh điển về Di đà. Ngoài ra, kinh này là tiên khu của các kinh điển Tịnh độ, cho nên được đặc biệt chú ý. Các bản chú sớ của kinh này, tương đối trọng yếu thì có Ban chu tam muội hành pháp (Trí khải) và Ban chu tam muội kinh sớ (Nguyên hiểu). [X. Xuất tam tạng kí tập Q.2; Lịch đại Tam bảo kỉ Q.4; Q.12; Đại Đường nội điển lục Q.6, Q.9; Phật giáo kinh điển sử luận (Xích chiểu trí thiện)].