Bát Chính đạo

Từ Điển Đạo Uyển

八正道; C: bāzhèngdào; J: hasshōdō; S: aṣṭāṅ-gika-mārga; P: aṭṭhāṅgika-magga;

Con đường tám nhánh giải thoát khỏi Khổ (s: duḥkha), là chân lí cuối
cùng của Tứ diệu đế. Bát chính đạo là một trong 37 Bồ-đề phần hay 37
giác chi (s: bodhipākṣika-dharma).

Bát chính đạo bao gồm:

1. Chính kiến (正見; p: sammā-diṭṭhi; s: samyag-dṛṣṭi): gìn giữ một quan
niệm xác đáng về Tứ diệu đế và giáo lí Vô ngã; 2. Chính tư duy (正思唯; p:
sammā-saṅkappa; s: samyak-saṃkalpa): suy nghĩ hay là có một mục đích
đúng đắn, suy xét về ý nghĩa của bốn chân lí một cách không sai lầm; 3.
Chính ngữ (正語; p: sammā-vācā; s: sam-yag-vāc): không nói dối, nói phù
phiếm; 4. Chính nghiệp (正業; p: sammā-kammanta; s: samyak-karmānta):
tránh phạm giới luật; 5. Chính mệnh (正命; p: sammā-ājīva; s:
sam-yag-ājīva): tránh các nghề nghiệp mang lại giết hại như đồ tể, thợ
săn, buôn vũ khí, buôn thuốc phiện; 6. Chính tinh tiến (正精進; p:
sammā-vāyāma; s: samyag-vyāyāma): phát triển nghiệp tốt, diệt trừ nghiệp
xấu; 7. Chính niệm (正念; p: sammā-sati; s: sam-yag-smṛti): tỉnh giác
trên ba phương diện Thân, khẩu, ý; 8. Chính định (正定; p: sam-mā-samādhi;
s: samyak-samādhi): tập trung tâm ý đạt bốn định xuất thế gian (s:
arūpa-samādhi, Bốn xứ).

Bát chính đạo không nên hiểu là những “con đường” riêng biệt. Theo Ba
môn học, hành giả phải thực hành Giới (chính đạo 3-5), sau đó là Ðịnh
(chính đạo 6-8) và cuối cùng là Huệ (chính đạo 1-2). Chính kiến (1) là
điều kiện tiên quyết để đi vào Thánh đạo (s: ārya-mārga) và đạt
Niết-bàn.

Phật giáo Ðại thừa hiểu Bát chính đạo có phần khác với Tiểu thừa. Nếu
Tiểu thừa xem Bát chính đạo là con đường dẫn đến Niết-bàn thì Ðại thừa
đặc biệt coi trọng sự giải thoát khỏi Vô minh để giác ngộ tính Không (s:
śūnyatā), là thể tính của mọi sự. Trong tinh thần đó, Luận sư Thanh
Biện (s: bhāva-viveka) giải thích như sau: 1. Chính kiến là tri kiến về
Pháp thân (Ba thân), 2. Chính tư duy là từ bỏ mọi chấp trước, 3. Chính
ngữ là thấu hiểu rằng, pháp vượt trên mọi ngôn ngữ, 4. Chính nghiệp là
tránh mọi hành động tạo nghiệp, kể cả thiện nghiệp, 5. Chính mệnh là tri
kiến rằng, tất cả các Pháp (s: dharma; p: dhamma) không hề sinh thành
biến hoại, 6. Chính tinh tiến là an trú trong tâm thức vô sở cầu, 7.
Chính niệm là từ bỏ mọi thắc mắc về có (Hữu), không (vô), 8. Chính định
là giữ tâm vô phân biệt bằng cách vô niệm.