bát chỉ đầu đà

Phật Quang Đại Từ Điển

(1851 – 1912) Người huyện Tương đàm tỉnh Hồ nam, họ Hoàng, tên Kính an, tự Kí thiền. Là thầy của đại sư Thái hư. Bảy tuổi mất mẹ, mười một tuổi mất cha. Năm Đồng trị thứ 7 (1868), theo Hoà thượng Đông lâm ở chùa Pháp hoa huyện Tương âm xuất gia, y vào luật sư Hiền khải chùa Chúc thánh núi Nam nhạc thụ giới Cụ túc. Sau đến Kì sơn theo thiền sư Hằng chí tham học năm năm, rồi từ Kì sơn xuống chùa A dục lễ xá lợi Phật, tự cắt thịt ở cánh tay, lại đốt hai ngón bên tay trái và tự gọi là: Bát chỉ đầu đà (Người có tám ngón tay tu hạnh đầu đà).

Sau nối pháp ngài Lạp vân ở núi Nhạc lộc, hành cước mười năm, qua khắp các chùa. Thời đó đang ở vào cuộc cách mạng Tân hợi, giáo giới hoang mang, sư bèn kết hợp những người có chí ở Giang tô và Triết giang, tổ chức thành lập Tổng hội Phật giáo Trung quốc, với niềm hi vọng thống nhất Tăng giới. Sư được bầu làm Hội trưởng. Năm 1912, thỉnh cầu chính phủ lâm thời ở Nam kinh bảo hộ các chùa. Nhưng chưa bao lâu đã phát sinh xung đột với chính phủ mới ở Bắc kinh, sư bi phẫn quá mà chết tại chùa Pháp nguyên. Chính nhờ biến cố này mà Quốc vụ viện buộc phải thừa nhận chương trình hoạt động của Tổng hội Phật giáo Trung quốc.

Sư bình sinh có tài làm thơ, ham học không biết mỏi mệt. Người đương thời đã so sánh sư với thi sĩ Giả đảo đời Đường. Sư giao du thân mật với Vương tương ỷ, Dương độ. Làm rất nhiều thơ, nổi tiếng khắp nước. Có Bát chỉ đầu đà thi tập 8 quyển, Tước mai ngâm cảo 1 quyển.