bát bộ bát nhã

Phật Quang Đại Từ Điển

(八部般若) Tám bộ Bát nhã. Trong thời thứ tư, đức Phật đã nói rất nhiều kinh, mà pháp cũng bất nhất, cho nên mới có tên tám bộ. Cứ theo Đại minh tam tạng pháp số quyển 31 chép, thì tám bộ Bát nhã là: 1.Đại phẩm bát nhã. Theo đức Phật nói, các pháp năm uẩn, mười hai xứ, mười tám giới, ba mươi bảy đạo phẩm, tất cả đều do ba la mật sinh ra, mà trong đó, Bát nhã ba la mật là trên hết, là bậc nhất; nếu không có Bát nhã ba la mật dẫn đường, thì năm độ còn lại không thể được gọi là ba la mật. Vì số kinh quyển quá nhiều, cho nên gọi là Đại phẩm bát nhã. 2.Tiểu phẩm bát nhã. Các pháp được nói trong Tiểu phẩm đại khái cũng giống như trong Đại phẩm, nhưng vì số kinh quyển ít hơn, nên gọi là Tiểu phẩm bát nhã. 3.Phóng quang bát nhã. Đức Thế tôn vào Thiền định, từ tướng bánh xe nghìn nan hoa ở chân, phóng ra ánh sáng lớn, rồi từ trên đỉnh đầu và các lỗ chân lông, đều phóng hào quang, soi khắp các cõi nước trong mười phương, vì các Bồ tát mà nói kinh này. Do đó, gọi là Phóng quang bát nhã. 4.Quang tán bát nhã. Quang, nghĩa là sáng sủa; tán, hàm ý giảng nói. Tức là đức Phật từ nơi lưỡi phóng ra vô số ánh sáng, chiếu khắp ba nghìn thế giới. Trong ánh sáng ấy, tự nhiên hiện ra vô số bông sen vàng, và trên các hoa sen ấy đều có chư Phật giảng nói kinh này. Vì thế gọi là Quang tán bát nhã. 5.Đạo hạnh bát nhã. Nghĩa là dức Phật nói pháp, khiến các chúng sinh nghe rồi vui mừng, lần lượt bảo nhau theo đó tu học mà thành tựu đạo hạnh, cho nên gọi là Đạo hạnh bát nhã. 6.Kim cương bát nhã. Chất kim cương rất cứng, rất sắc, có khả năng chặt đứt những vật khó chặt, có thể phá vỡ mọi vật. Bởi thế, dùng nó để ví dụ với Bát nhã không tuệ, có khả năng đoạn trừ các phiền não khó đoạn của chúng sinh, vì vậy gọi là Kim cương bát nhã. 7. Thắng thiên vương bát nhã. Kinh này do Thắng thiên vương hỏi mà đức Phật nói ra, cho nên gọi là Thắng thiên vương bát nhã. 8.Văn thù vấn bát nhã. Kinh này do bồ tát Văn thù hỏi mà Phật nói ra, vì thế gọi là Văn thù vấn bát nhã.