bất biến tuỳ duyên

Phật Quang Đại Từ Điển

(不變隨緣) I. Bất biến tùy duyên. Chân như có hai nghĩa bất biến và tùy duyên. Đây là thuyết thông dụng của tông Pháp tính. Chân như là thực thể của hết thảy các pháp, tồn tại ngoài thời gian và không gian, chẳng sinh chẳng diệt, thường trụ vô vi, gọi là bất biến. Tự tính chân như không biến đồi, nhưng lại hay theo các duyên nhơ, sạch mà toàn thể khởi động, hiển hiện muôn tượng la liệt, gọi là tùy duyên. Nói theo pháp môn của luận Đại thừa khởi tín, thì bất biến tức là Tâm chân như môn (về phương diện bản thể, tâm chân như không biến đổi) và tùy duyên tức là Tâm sinh diệt môn (về phương diện hiện tượng, tâm chân như có sinh diệt biến đổi). Tức là cùng một tâm chân như (cũng tức là tâm chúng sinh) mà được biểu hiện theo hai nghĩa bản thể và hiện tượng (tướng dụng). [X. Khởi tín luận sớ bút tước kí Q.2; Hoa nghiêm ngũ giáo chương Q.4; Hoa nghiêm huyền đàm Q.4]. II. Bất biến tùy duyên. Đối lại với Tùy duyên bất biến. Có nghĩa là các pháp tuy do nhân duyên mà dấy sinh, nhưng thể của chúng thì không biến đổi. Thập bất nhị môn chỉ yếu sao quyển thượng (Đại 46,709 hạ), nói: Hai chữ tâm tính không khác mà khác, nhưng nói bất biến tùy duyên gọi là tâm, tức là sự của lí. Tùy duyên bất biến gọi là tính, là lí của sự. Nay muốn ở nơi sự mà hiển bày lí, nên nêu cả hai. Chiếu theo đây mà nói thì bất biến tùy duyên gọi là Phật, tùy duyên bất biến gọi là tính.