bát âm

Phật Quang Đại Từ Điển

Tám tiếng. Còn gọi là tám thứ tiếng trong sạch. Có nghĩa là khi đức Như lai phát âm, thì tiếng nói trong trẻo hòa nhã, có đủ tám thứ công đức thù thắng, khiến chúng sinh nghe xong thì hiểu rõ ngay. Tám thứ tiếng nói ấy là:

1. Tiếng rất tốt. Cũng gọi là tiếng êm tai. Nghĩa là tất cả các trời, Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát v.v… tuy đều có tiếng tốt, nhưng chưa đạt đến cực điểm. Duy có tiếng nói của đức Phật là có khả năng làm cho người nghe không chán, được vào đạo nhiệm mầu.

2. Tiếng êm dịu. Nghĩa là tâm đức Phật hiền lành, cho nên tiếng Ngài nói ra rất êm dịu, thuận với tình cảm của mọi người, có thể khiến người nghe bỏ tính ương ngạnh, bướng bỉnh.

3. Tiếng hòa nhã. Nghĩa Bát Bằng Đồng Xanh là đức Phật thường giữ đạo trung chính, vì thế tiếng Ngài nói ra hòa nhã nhẹ nhàng, làm cho người nghe cảm thấy thoải mái.

4. Tiếng trí tuệ tôn quí. Cũng gọi là tiếng vào lòng. Nghĩa là đức của Phật ở ngôi tôn quí, tâm trí tuệ sáng láng, tiếng Ngài nói ra khiến người nghe tôn trọng và trí hiểu biết được mở mang.

5. Không là tiếng đàn bà. Nghĩa là đức Phật ở trong định Thủ lăng nghiêm, có đức đại hùng, cho nên tiếng Ngài nói ra khiến tất cả người nghe đều kính và sợ, các ma trời, ngoại đạo đều qui phục.

6. Tiếng không lầm. Cũng gọi là tiếng rõ ràng. Nghĩa là trí của Phật tròn sáng, soi rọi không bị ngăn ngại, cho nên tiếng Ngài nói ra sâu xa chân thật, không có sai sót, khiến mọi người nghe đều được thấy hiểu ngay thẳng.

7. Tiếng sâu xa. Nghĩa là trí tuệ của Phật sâu thẳm, hành vị cao tột, vì thế tiếng Ngài nói ra như từ gần mà xa, suốt đến mười phương, khiến tiếng nói gần mà chẳng to, xa mà không nhỏ, đều hiểu được lí sâu xa thăm thẳm.

8. Tiếng không hết. Nghĩa là nguyện hành của đức Như lai vô tận, ở trong pháp tạng vô tận, cho nên tiếng Ngài nói ra khiến người nghe mà tìm nghĩa của tiếng ấy thì vô cùng, vô tận. Trên đây là nói về cái đức của âm thanh của Phật.

Mặt khác, trong kinh Tối thắng vấn bồ tát thập trụ trừ cấu đoạn kết quyển 8, có nêu ra tám thứ âm thanh là: chẳng phải tiếng đàn ông, không phải tiếng đàn bà, chẳng phải tiếng cứng, không phải tiếng mềm, chẳng phải tiếng trong, không phải tiếng đục, chẳng phải tiếng mạnh, không phải tiếng yếu. Đây là nói về thể của âm thanh của Phật. Cũng kinh đã dẫn quyển 7, còn nêu ra tám thứ tiếng là: thấy khổ, hướng khổ, thấy tập, hướng tập, thấy diệt, hướng diệt, thấy đạo, hướng đạo. [X. Trung a hàm Q.14 kinh Phạm ma; kinh Phạm ma du; luận Đại tì bà sa Q.17; Pháp giới thứ đệ sơ môn Q.hạ phần cuối].