bát

Phật Quang Đại Từ Điển

Phạm: Pàtra, Pàli: patta. Là tiếng gọi tắt của Bát đa la, Bát hòa la. Còn gọi là Bát vu. Là đồ dùng mà tăng ni thường mang theo mình (là một trong sáu vật của tỉ khưu, một trong mười tám vật của tỉ khưu), thông thường gọi là thực khí (đồ để đựng thức ăn). Hình tròn, hơi dẹp, đáy bằng, miệng hơi nhỏ. Về nguyên liệu, mầu sắc, cỡ lớn nhỏ, đều có định chế, là thực khí đúng như pháp, là thực khí dùng để nhận sự cúng dường của người, trời, cũng là thực khí đúng với phân lượng mà một người có sức ăn, vì thế còn gọi là ứng khí, ứng lượng khí. Là chiếc bát mà người xuất gia tu hành phải dùng đúng với qui định luật đã chế.

Về nguyên liệu, nếu làm bằng sắt thì gọi là thiết bát (Pàli:ayo patta); nặn bằng đất thì gọi là ngõa bát, nê bát, thổ bát. Cái túi để đựng bát thì gọi là Bát nang, Bát đại. Cái đế để giữ cho bát khỏi nghiêng đổ thì gọi là Bát chi; cái bát do đức Thế tôn dùng, gọi là Phật bát (bát đá thì chỉ có đức Phật được dùng). Đời sau cũng có người dùng bát gỗ sơn, nhưng đây là bát của ngoại đạo dùng, không phải trong phạm vi giới luật chế định. Có năm cách sửa chữa cái bát đã thủng, gọi là Ngũ chuế bát (năm cách vá bát). Đó là: 1. Lấy cái đinh nhỏ bít lấy chỗ thủng. 2. Lấy mẩu sắt nhỏ đóng chỗ thủng cho bền. 3. Nếu lỗ thủng chìa ra như răng cưa, thì đóng lại cho trong ngoài giáp nhau. 4. Lấy mẩu sắt mỏng bưng lấy lỗ thủng rồi nện chung quanh. 5. Dùng vụn sắt hoặc vụn đá nghiền. Những bát thủng, nếu thủng từ năm chuế (mỗi chuế dài bằng hai ngón tay, tức khoảng sáu phân tây) trở xuống thì mới vá sửa, nếu năm chuế trở lên thì không cần vá mà có thể yêu cầu đổi bát mới. Sau khi cái bát đã sửa vá mà dùng lại thì gọi là Ngũ chuế bát. Cỡ bát lớn nhỏ, trong các luật điển đều có sai khác, dung lượng tùy theo tên gọi mà cũng khác; thông thường có Thượng bát, Trung bát và Hạ bát khác nhau.

Theo luật Thập tụng quyển 43 nói, thì Thượng bát có thể chứa ba bát tha cơm, một bát tha canh và các thực vật khác nửa canh; Hạ bát có thể chứa một bát tha cơm, nửa bát tha canh và các thực vật khác nửa canh; còn dung lượng của Trung bát thì ở khoảng giữa. Lại Tát bà đa tì ni tì bà sa quyển 5 bảo, một bát tha tương đương với ba mươi lạng cơm, như vậy ba bát tha cơm bằng hai thăng, một bát tha rưỡi, thành là một thăng. Ngoài ba bát Thượng, Trung, Hạ ra, còn có: 1. Quá bát, còn gọi là Đại bát, to hơn Thượng bát. 2. Giảm bát, còn gọi là Phi bát, nhỏ hơn Hạ bát. 3. Tùy bát, tức chiếc bát sắt nông, tương đương với bôn tử (một thứ đồ để đựng thức ăn). [X. Căn bản tát bà đa bộ luật nhiếp Q.7 Khất học xứ; luật Tứ phần Q.9, Q.43; luật A tăng kì Q.37; Thiện kiến luật tì bà sa Q.15].