bảo vân

Phật Quang Đại Từ Điển

Vị tăng thời Đông Tấn sang Tây vực cầu pháp dịch kinh. Người Lương châu (có thuyết bảo là người Hà bắc). Siêng năng và có học, có hạnh. Xuất gia từ nhỏ, lập chí đích thân đi chiêm bái các linh tích, tìm cầu các kinh quan yếu. Vào đầu năm Long an (387-401) đời vua An đế nhà Tấn, cùng với các sư Pháp hiển, Trí nghiêm lần lượt đến các nước Tây vực, qua Lưu xa, vượt dải Tuyết lĩnh, đến Vu điền, Thiên trúc v.v… đi lễ khắp các nơi Thánh tích, rồi học tiếng Phạm, đọc sách Phạm, nghiên cứu, chú giải âm tự xưa. Sau cùng với Tuệ đạt, Tăng cảnh cùng trở về Trường an; sư thờ Phật đà bạt đà la làm thầy, tu học phép Thiền.

Vào thời Lưu Tống, sư ở chùa Đạo tràng tại Kiến khang, dịch Vô lượng thọ kinh. Chưa bao lâu, lại dời đến ở chùa Chỉ viên, cùng với Trí nghiêm cùng dịch kinh Phổ diệu, kinh Quảng bác nghiêm tịnh, kinh Tứ thiên vương. Về sau, ở chùa Trường can, cùng với Tăng già bạt ma cùng dịch Tạp a tì đàm tâm luận; ở các chùa Kì hoàn, Đông an, cùng với Cầu na bạt đà la cùng dịch kinh Tạp a hàm, kinh Lăng già a bạt đa la bảo, kinh Pháp cổ, kinh Thắng man, lại ở chùa Lục hợp sơn dịch Phật sở hành tán. Sư kiêm thông Hoa, Phạm, âm tự chính xác, tài phiên dịch thì độc đáo ở thời Tấn, Tống, sa môn Tuệ quán kết bạn chí thân. Lại cứ theo Pháp kinh lục, Lịch đại Tam bảo kỉ quyển 10 chép, thì ngoài các kinh luận do sư phiên dịch kể ở trên ra, sư còn dịch kinh Tịnh độ tam muội, kinh Phật bản hạnh, kinh Phó pháp tạng, kinh Tì la tam muội v.v… Sư nhập tịch vào năm Nguyên gia 26, thọ bảy mươi tư tuổi (có thuyết nói bảy mươi tám tuổi). [X. Danh tăng truyện sao Q.26; Lương cao tăng truyện Q.2 Phật đà bạt đà la truyện, Q.3 Trí nghiêm truyện, Tăng già bạt ma truyện, Cầu na bạt đà la truyện; Xuất tam tạng kí tập Q.2, Q.14 Tăng già bạt ma truyện, Cầu na bạt đà la truyện, Q.15 Trí nghiêm truyện, Pháp dũng truyện; Pháp kinh lục Q.1, Q.3, Q.5].