báo thân

Phật Quang Đại Từ Điển

(報身) I. Báo thân. Phạm: saôbhoga-kàya. Chỉ thân quả báo của Phật. Còn gọi là Báo Phật, Báo thân Phật, Thụ pháp lạc Phật. Hoặc dịch là Thụ dụng thân, Thực thân, Ứng thân. Cũng gọi là Đệ nhị thân. Là một trong ba thân, một trong bốn thân. Tức là quả báo đền trả vô lượng hành nguyện ở nhân vị , là thân Phật tròn đầy muôn đức. Cũng tức là quả thân của Bồ tát lúc mới phát tâm tu tập cho đến khi tu hành đầy đủ mười địa đền đáp những hành nguyện ấy, cho nên gọi là Báo thân. Như Phật A di đà, Dược sư Như lai, Phật Lô xá na v.v… đều là báo thân Phật. Luận Đại thừa khởi tín lấy nghĩa đền nhân cảm quả để giải thích báo thân, nói báo thân là sắc thân mà các Bồ tát ngôi Tam hiền, Thập địa tùy phận được thấy không đều nhau. Báo thân lấy đại trí (thánh trí vô phân biệt), đại định (vô tác ý), đại bi (có thể nhổ hết các gốc khổ cho chúng sinh) làm thể, có đủ vô lượng sắc tướng và vô lượng công đức mười lực, bốn vô úy. Cứ theo luận Đại trí độ quyển 9 nói, thì Phật có hai thân là thân pháp tính và thân do cha mẹ sinh, thân pháp tính tràn khắp mười phương hư không, tướng tốt đẹp đẽ, có vô lượng ánh sáng và vô lượng âm thanh. Cũng luận trên quyển 30 nêu lên thân Phật có hai thứ là chân thân và hóa thân, chân thân tràn đầy hư không, tiếng nói pháp cũng vang khắp mười phương vô lượng thế giới, nhưng chỉ có các Bồ tát Thập trụ có thể dùng trí lực phương tiện bất khả tư nghị nghe được mà thôi. Quyển 33 thì nêu lên hai thứ là pháp tính sinh thân và Tùy thế gian thân, Pháp tính sinh thân thường có vô lượng vô số a tăng kì Bồ tát nhất sinh bổ xứ theo hầu. Tất cả loại thân vừa kể đều chỉ thân thực báo của đức Phật. Các nhà Thiên thai, đối với phần nội chứng, ngoại dụng của Báo thân, về nghĩa thụ dụng, đem chia báo thân thành Tự thụ dụng thân, Tha thụ dụng thân; rồi theo báo thân và cõi nước báo thân ở mà chia thành cõi báo thân thực và cõi báo thân ảnh hiện. Cõi chân báo thân là vì các Bồ tát địa thượng mà hiện để làm cõi báo thân chứng đạo (thực lí chư Phật đã chứng); đối lại với cõi này, cõi báo thân ảnh hiện là đặc biệt vì những người Địa tiền mà hiện để làm cõi báo thân dạy đạo (đạo phương tiện chỉ dạy). Thân thụ dụng trong ba thân do các nhà Pháp tướng duy thức chủ trương tức đồng nghĩa với thân này. Lại cứ theo luận Nhiếp đại thừa quyển hạ (bản dịch đời Lương), Nhiếp đại thừa luận thích quyển 13 (bản dịch đời Lương), thì Tịnh độ của chư Phật và Bồ tát nghe pháp Đại thừa hoặc vì người khác nói pháp mà thụ hưởng pháp lạc, đều lấy Báo thân Phật làm nhân, đều do Báo thân thành tựu. Kinh Đại thừa đồng tính quyển thượng, đối lại với sự thành Phật ở uế độ là Hóa thân, bảo thành Phật ở Tịnh độ là Báo thân, tức hàm ý là Tịnh độ của chư Phật là lấy báo thân làm nhân mà hiển hiện. Bởi vì Nhiếp đại thừa luận quyển hạ (bản Lương dịch) liệt kê thân Thụ dụng và thân Tự tính có sáu thứ khác nhau, thân biến hóa và thân Tự tính có tám thứ bất đồng. Cũng sách trên, luận thích trong quyển 13 đến quyển 15, thuyết minh hai thân Thụ dụng, Biến hóa đều lấy thân Tự tính làm nơi nương tựa. Pháp thân là phương tiện tự lợi, thụ dụng thân và biến hóa thân là phương tiện lợi tha, có nghĩa là Báo thân chỉ là thân lợi người lợi vật, vì các Bồ tát địa thượng mà hiển hiện, còn Pháp hoa kinh luận thì nói Báo Phật (thân tốt đẹp trang nghiêm do tu hành tròn đầy mười địa được báo đền) và Pháp thân đều là thân tự lợi. Về điểm này, cứ theo ý của Cát tạng trong Pháp hoa huyền luận quyển 9, trong Pháp hoa kinh luận, lấy Phật tính làm Pháp thân, cái mà Phật tính hiển hiện là Báo thân, thân hóa độ chúng sinh là Hóa thân, là y vào nghĩa mở Bản hợp Tích. Trong luận Nhiếp đại thừa hợp Phật tính và cái mà Phật tính hiển hiện làm Pháp thân, hóa Bồ tát là Báo thân, hóa Nhị thừa là Hóa thân, là y vào nghĩa mở Tích hiển Bản. Phật địa kinh luận quyển 7 chia thân Thụ dụng làm hai thân là Tự thụ dụng và Tha thụ dụng, lấy thân Tự thụ dụng làm thực thân của phần tự lợi, thân Tha thụ dụng là Hóa thân vì các Bồ tát Địa thượng mà hiển hiện để nêu tỏ hai phương diện của Báo thân. [X. kinh Hợp bộ kim quang minh Q.1 phẩm Tam thân phân biệt; kinh Vô thượng y Q.thượng; Pháp hoa kinh luận Q.hạ; luận Phật tính Q.4 phẩm Vô biến dị; luận Cứu kính nhất thừa bảo tính Q.4 phẩm Chuyển thanh tịnh thành bồ đề, phẩm Như lai công đức; Kim cương Bát nhã ba la mật kinh luận Q.thượng. Thập địa kinh luận Q.3; Kim cương tiên luận Q.5. Q.8, Q.9, Đại thừa nghĩa chương Q.19, Đại thừa pháp uyển nghĩa lâm chương Q.7 phần đầu]. (xt. Tam Thân, Phật Thân, Thụ Dụng Thân, Tượng Trưng Chủ Nghĩa). II. Báo thân. Chỉ cái thân của chúng sinh vì nghiệp phải chịu báo sinh trong sáu ngả trời, người, a tu la, địa ngục, súc sinh, và ngã quỉ.