bảo tạng luận

Phật Quang Đại Từ Điển

(寶藏論) I. Bảo tạng luận. Có một quyển. Do ngài Tăng triệu (374-414) đời Hậu Tần soạn. Thu vào Đại chính tạng tập 45. Nội dung thuyết minh thể dụng của chân như pháp tính, chia làm ba phẩm là phẩm Quảng chiếu không hữu, phẩm Li vi thể tịnh, phẩm Bản tế hư huyền. Những điều trình bày trong luận này thường được dẫn dụng trong các bộ Ngữ lục của các sư Lương giới ở Động sơn, Văn yển ở Vân môn cuối đời Đường và trong Tông kính lục của Diên thọ ở thời Tống, đủ chứng tỏ luận này là chỗ dựa trọng yếu của Thiền gia. Tuy nhiên, luận này khác với các luận trong Triệu luận do Tăng triệu soạn, và nó cũng chưa được ghi trong các kinh tịch chí như: Pháp luận mục lục (thu vào Xuất tam tạng kí tập quyển 12) của Lục trừng thời Lưu Tống, Lương cao tăng truyện quyển 6 Tăng triệu truyện, Tùy thư và Đường thư v.v… Vả lại, cách hành văn trong luận này rất khác với các câu văn của Tăng triệu trong Triệu luận và trong các bài tựa của những kinh luận do Tăng triệu soạn, mà trái lại, phần nhiều là cách dùng lời của Thiền gia, cho nên có thể ngờ luận này là tác phẩm ngụy thác của Thiền gia đời Đường. [X. Tống sử Q.205, Q.208 Nghệ văn chí; Thông sử lược Q.19; Tân biên chư tôn giáo tạng tổng lục Q.3; Đông vực truyền đăng mục lục Q.hạ; Hán ngụy lưỡng tấn nam bắc triều Phật giáo sử đệ nhị phần đệ cửu chương Tăng triệu truyện lược (Thang dụng đồng); Triệu luận nghiên cứu (Trủng bản Thiện long); Bảo tạng luận chi tư tưởng sử đích ý nghĩa (Liêm điền mậu hùng)]. II. Bảo tạng luận. Là tác phẩm Nhân minh của Tây tạng. Do Giả tào kiệt đạt mã nhân khâm trứ tác. Là sách giải thích các tác phẩm Định lượng luận và Chính lí trích luận thuộc Nhân minh học.