bảo phúc diệu phong đỉnh

Phật Quang Đại Từ Điển

Tên công án trong Thiền tông. Sự tích dùng một câu đưa một câu đẩy (nhất ai nhất tạt) của ba nhà Tòng triển núi Bảo phúc, Tuệ lăng chùa Trường khánh và Đạo phủ ở Kính thanh đời Đường để phát huy tông phong. Bích nham lục Tắc 23 (Đại 48, 164 thượng), nói: Bảo phúc, Trường khánh đi chơi trên núi, Phúc đưa tay chỉ, nói: Chỉ trong chỗ này là Diệu phong đỉnh Khánh nói: Đúng thế, song đáng tiếc! (…) Sau kể lại cho Kính thanh, Thanh nói: Nếu không phải là Tôn công, thì liền thấy đầu lâu khắp đồng hoang. Mấy câu đối thoại đưa đẩy trên đây là thế này: Một hôm, Bảo phúc và Trường khánh vào núi chơi, Bảo phúc chỉ khu đất ở trong núi bảo đó là Diệu phong đỉnh. Diệu phong đỉnh (đỉnh núi nhiệm mầu) có xuất xứ từ kinh Hoa nghiêm, dùng để hiển bày thí dụ sự tròn đầy bình đẳng của bản thể vũ trụ; ý của Bảo phúc muốn nói, cái thấy ngay ở trước mắt tức là diệu phóng đỉnh, cần gì phải tìm đâu xa mới thấy suốt được bản lai diện mục. Trường khánh cho là đúng thế, nhưng đáng tiếc là diệu phong đỉnh nay đã băng hoại rồi.

Ý Trường khánh muốn nói, chỉ có người mắt sắt con ngươi đồng mới không bị lừa dối. Sau Kính thanh khen và nói, nếu chẳng phải là Trường khánh (họ Tôn), thì những người tham Thiền trong thiên hạ đều coi diệu phong đỉnh sống động như vật chết khô cứng. Vì Bảo phúc thì theo cái thấy hướng thượng mà đề khởi toàn tướng của sự viên mãn bình đẳng; còn Trường khánh thì đứng trên quan điểm hướng hạ để hiển bảy sự hoạt dụng sống động vô tận; cho nên Kính thanh khen Trường khánh ở điểm này. Tóm lại, sự đưa đẩy của ba người tột cùng là hiển bày cái cảnh giới đồng chiêm đồng dụng đồng xướng đồng họa. Khi bình giảng công án này, Tuyết đậu nói: Trăm nghìn năm sau, chẳng nói không, chỉ là số ít, để tán thán. Lại có bài kệ rằng: Diệu phong sừng sững nhiệm mầu thay, Tới rồi biết ngỏ với ai đây? Chẳng phải Tôn công bày lẽ ấy, Đầu lâu mặt đất mấy ai hay?