bảo lâm tự

Phật Quang Đại Từ Điển

(寶林寺) I. Bảo lâm tự. Vị trí chùa nằm trên núi Tào khê về phía nam huyện Khúc giang ba mươi lăm cây số thuộc tỉnh Quảng đông. Nay gọi là Nam hoa tự, Nam hoa cổ tự, Nam hoa Thiền tự. Do vị tăng người Thiên trúc tên là Trí dược sáng lập vào niên hiệu Thiên giám năm đầu (502) đời Lương. Khoảng năm Nghi phụng (676-678) đời Đường, Lục tổ Đại giám Tuệ năng mở đạo tràng rộng thêm, học đồ đông đảo, đạo pháp đại thịnh, Hoài nhượng ở Nam nhạc, Hành tư ở Thanh nguyên đều là những người nối pháp Lục tổ. Niên hiệu Thần long năm đầu (705) đổi tên là Trung hưng tự. Năm Cảnh long thứ 2 (708) xây lại, đổi là Pháp tuyền tự. Đời Ngũ đại lại lấy tên cũ Bảo lâm tự. Trong năm Khai bảo (968-975) đời Tống bị nạn binh lửa thiêu hủy tháp Linh chiếu, lập tức phải tu bổ lại chùa tháp, rồi đổi là Nam hoa tự. Thời Minh, Đức thanh ở Hàm sơn nhận lời thỉnh vào núi phục hưng toàn bộ. Những di vật còn đến nay thì có tượng nhục thân của Lục tổ, chiếc bát ăn cơm và đôi guốc, và những cổ tích như: suối Trác tích đời Đường, tháp Linh chiếu đời Tống v.v… [X. Lục tổ đàn kinh; Lục tổ đại sư duyên kí ngoại kí; Tống cao tăng truyện Q.8; Hàm sơn đại sư mộng du toàn tập Q.50 đến Q.55]. II.Bảo lâm tự. Vị trí chùa nằm ở quận Trường hưng, Toàn la nam đạo nước Đại hàn. Hiệu là Ca trí sơn. Do vị tăng tên là Thể trừng sáng lập. Vua Hiến khang năm thứ 9 (883) ban hiệu chùa là Bảo lâm. Đại hùng bảo điện trong chùalà kiến trúc của Triều tiên ở thời kì đầu, rất là tráng lệ; cây đèn đá được chạm trổ bằng một thủ pháp rất tinh tế vi diệu, là di phẩm của thời đại Tân la, cực kì trân quí; tháp Linh diệu là tháp Xá lợi đẹp đẽ trang nghiêm, cũng là một kiệt tác. [X. Triều tiên Phật giáo thông sử; Triều tiên kim thạch tổng lãm thượng]. III.Bảo lâm tự. Vị trí chùa ở tỉnh Hồ bắc, cách huyện Ứng sơn về phía bắc mười hai cây số. Phía trước gần sông lớn. Hiện còn các bia đá dựng vào đời Tống, Nguyên. Tương truyền, vua Thái tổ nhà Minh lúc còn nhỏ đã chăn bò ở đây. Khoảng năm Hồng vũ (1398), vua ban hiệu là Chính giác tự.