bảo kim

Phật Quang Đại Từ Điển

(寶金) (1308-1372) Vị tăng thuộc tông Lâm tế đời Nguyên. Người huyện Vĩnh thọ, Càn châu (tỉnh Thiểm tây), họ Thạch. Thời ấy, có vị sa môn, cho thân mẫu sư một pho tượng Quan âm và dặn bà phải cung kính cúng dường, sẽ sinh được con trai thông minh, chẳng bao lâu, quả nhiên bà thân mẫu sinh ra sư, lúc sinh ra, ánh sáng trắng chiếu khắp nhà. Nhưng, từ nhỏ đã lắm bệnh, cha mẹ ngờ là người con này phải đi tu, nên sáu tuổi đã cho xuất gia. Lớn lên, sau khi thụ giới Cụ túc, đi khắp nơi tham học, giảng cứu, cùng suốt ý chỉ tính tướng, bèn đến Tấn vân tham yết ngài Như hải. Một hôm, sư cầm rổ theo Như hải ra hái rau ngoài vườn, thình lình ngồi yên bất động, vào định ba giờ sau mới dậy, Như hải bảo sư đó mới là trần lao tạm nghỉ mà thôi, định lực vẫn chưa sâu, phải cắt đứt hết mọi ngõ ngách của tâm, thì sau đại pháp mới bừng sáng được. Sau sư lên ở trên núi Nga mi, suốt ba năm lưng không dính chiếu, một hôm nghe tiếng chặt cây mà đại ngộ. Năm Chí nguyên thứ 8 (1348) đời Nguyên, vua sai sứ lên rước sư về kinh, nhà vua rất cung kính, thỉnh sư trụ trì chùa Hải ấn, sư cáo bệnh từ chối, vua bèn ban hiệu là Tịch chiểu viên minh. Khi vua Thái tổ nhà Minh lên ngôi, xuống chiếu thỉnh sư về Nam kinh, mời vào nội điện để hỏi về đại ý Phật pháp. Đồng thời, vua mở hội Phổ tế ở Chung sơn, tuyển chọn mười vị cao tăng tới dự hội, sư là một trong mười người đó. Nhà vua lại tự tay viết ban cho mười hai vần thơ, ý tứ rất man mác. Sư thị tịch vào năm Hồng vũ thứ 5, thọ sáu mươi lăm tuổi. Sau khi trà tì (thiêu), tìm thấy xá lợi năm sắc, răng, lưỡi đều không cháy. [X. Ngũ đăng hội nguyên tục lược Q.4].