bảo chưởng

Phật Quang Đại Từ Điển

(寶掌) (? – 657) Người trung Ấn độ. Đời gọi là Bảo chưởng thiên tuế hòa thượng, Thiên tuế bảo chưởng. Vì khi sinh ra, bàn tay trái nắm lại, đến bảy tuổi xuất gia mới mở nắm tay ra, vì thế lấy tên là Bảo chưởng (bàn tay báu). Cứ theo truyền thuyết thì sư đông du đến Trung quốc khoảng thời Ngụy Tấn, vào đất Thục tham bái bồ tát Phổ hiền. Sư có lòng đại từ, thường không ăn, ngày tụng kinh Bát nhã đến hơn nghìn quyển. Một hôm, sư nói với đại chúng (Vạn tục 138, 41 thượng): Tôi có nguyện ở đời một nghìn năm, nay đã là sáu trăm hai mươi sáu năm, vì thế có tên là Thiên tuế. Về sau, sư đi tham lễ các nơi Ngũ đài, Lư sơn, gặp đúng lúc tổ Bồ đề đạt ma đến Trung quốc, sư liền đến hỏi đạo mà được khai ngộ. Sau năm Trinh quán 15 (641), ở chùa Bảo nghiêm thuộc Phố giang, cùng Bảo Chí với thiền sư Lãng giao du rất thân mật; mỗi lần sư sai con chó trắng đem thư đến hỏi; thì thiền sư Lãng lại sai chú vượn xanh đến trả lời, bởi thế mà có câu Chó trắng ngậm thư đến, vượn xanh rửa bát về. Sư tịch vào năm Hiển khánh thứ 2, truyền là sống đến nghìn tuổi. Ngoài ra, cũng có thuyết nói sư đến Trung quốc vào năm Khai hoàng 17 (597) đời Tùy và sáng lập chùa Thiên minh vĩnh tộ; cũng có thuyết bảo sư sáng lập chùa Vĩnh tộ vào năm Trinh quán 15. [X. Ngũ đăng hội nguyên Q.2; Gia thái phổ đăng lục Q.24; Phật tổ thống kỉ Q.40; Đại minh nhất thống chí Q.38].