BẢO CHÂU VÔ GIÁ
Hạnh Đoan bình thuật
Thực hiện: Tạng Thư Phật Học
Diễn đọc: Huệ Tâm

 

Kinh thành Thiên Hoa hôm nay rộn rịp hẳn lên vì sự hiện diện của các lái buôn tơ lụa. Không khí triều đình còn hân hoan hơn nữa, vì một trong những khách thương đã hiến tặng vua Thiên Bảo một hạt châu vô giá.

Hạt châu này quý và hiếm lắm, nó to hơn viên bi, chiếu hào quang đủ màu, óng ánh và đẹp khôn tả. Sắc lấp lánh, chói lọi của nó có thể nói là ăn đứt cả vàng ròng và kim cương.

Quốc vương thích lắm, trước mặt bá quan ông mân mê hạt châu trên tay, ngắm hoài không chán. Cao hứng, vua xoay qua bảo tể tướng:

– Khanh mau nói cho ta nghe giá trị của hạt châu này, sau đó hãy… đập vỡ nó đi!

Tể tướng dư biết vua rất mê hạt châu, ông cầm châu lên ngắm thật kỹ rồi thưa:

– Hạt châu của bệ hạ là báu vật mỹ lệ nhất thế gian, ngàn vàng khó sánh! Ai nhìn cũng phải trầm trồ, làm sao thần dám đập vỡ nó?…

Vua nghe nói khoái chí, truyền lệnh ban thưởng cho tể tướng ngàn lượng vàng.

Tan triều, vua bảo thị vệ:

– Khanh hãy nói cho ta nghe giá trị của hạt châu này rồi… đập vỡ nó đi!

Thị vệ cũng biết vua mê tít hạt châu, cầm nó săm soi cả buổi rồi bình:

– Tâu Bệ hạ! Hạt châu này ánh sáng lấp lánh ăn đứt tất cả báu vật trên đời, màu sắc nó dịu dàng, mượt mà, óng hơn tơ lụa gấp trăm lần, thần làm sao dám đập vỡ nó?

Vua đẹp dạ lắm, truyền thưởng thị vệ trăm tấm lụa.

Tiếp đến, vua cho gọi một võ tướng tới bảo:

– Khanh nói cho ta nghe giá trị của hạt châu này rồi… đập vỡ nó đi!

Võ tướng biết vua rất si mê hạt châu, ông cầm hạt châu lên ngắm thật lâu rồi tán tụng:

– Lâu nay thần nghe đồn trên thế gian này có bảo kiếm chém sắt như chém bùn rất quí, giờ được chiêm ngưỡng hạt châu này, thần thấy nó còn… quí hơn cả bảo kiếm nữa. Thử hỏi, lòng dạ nào thần có thể đập vỡ nó?

Vua thích lắm, ban ngay cho võ tướng thanh kiếm quí như ông hằng mơ ước.

Thế nhưng, từ lúc vua có được hạt châu, ngày nào ông cũng săm xoi và đem ra ngắm đến mụ mẫm người. Chưa thỏa mãn, vua lại giở mửng cũ là kêu vài vị quan tới, bảo họ bình phẩm và đập vỡ châu đi!.. Tất nhiên, các quan ai cũng biết vua say mê hạt châu nên họ tha hồ bốc phét, tán tụng hạt châu lên tới trời, sẵn sàng nói những điều quá sự thật miễn là làm vua vui lòng… và họ được ban thưởng rất hậu.

Chẳng bao lâu thì toàn dân trong nước đều biết vua có một hạt châu quí đến nỗi dù có tập hợp hết bảo vật trên thế gian này lại đem so, thì giá trị cũng không bằng một góc hạt châu ấy.

Vua càng tỏ vẻ đắc ý, lúc nào cũng ôm khư khư hạt châu không rời, ông mê châu tới nỗi sao nhãng cả việc triều chính – Để cuối cùng toàn dân trong nước đều biết vua có hạt châu quí hơn cả quốc gia, dân chúng… và – vua yêu hạt châu ấy còn hơn cả giang sơn gấm vóc của mình –

Hạt châu được tán lên mây vậy mà vua vẫn nghe chưa đã cái lỗ tai. Ông nhìn khắp triều thần để tìm xem còn có ai chưa bình phẩm về hạt châu và phát hiện ra còn một viên quan trẻ nhất, nhỏ chức nhất mà hiếm khi ông để ý tới. Thế là vua khoái chí gọi chàng ta đến gần, dõng dạc ra lệnh:

– Này Đạt Nhân! Khanh hãy nói cho ta nghe giá trị của hạt châu này rồi… đập vỡ nó đi!

Vị tiểu quan này liền cầm hạt châu lên, ngắm qua ngắm lại, săm soi thật kỹ, sau đó chàng dùng hết sức bình sinh quăng mạnh hạt châu vào tường, trong nháy mắt, hạt châu vỡ vụn.

Vua biến sắc, các quan trong triều mặt tái nhợt, sợ tới tay chân run rẩy, lưỡi thụt lại… nói không thành tiếng.

Trong lúc tinh thần các quan như bị khủng bố, bầu không khí đáng sợ bao trùm cả triều đình, thì Đạt Nhân không chút sợ hãi, hướng về đức vua vòng tay lễ phép thưa: – Tâu Bệ hạ! Ai cũng ca ngợi và xác nhận hạt châu này có giá trị liên thành – Thế nhưng, trân bảo trên thế gian này dù có quí đến đâu, cũng không thể nào bằng mệnh lệnh của Bệ hạ, vì lời của ngài mới thực sự quí báu và có giá trị hơn trân bảo vạn bội. Cho nên, chỉ cần bệ hạ ra lịnh, nếu ngài bảo thần chết, thì thần nhất quyết tuân theo không hề làm trái. Vì vậy, khi ngài hạ lịnh bảo thần xem châu xong rồi đập vỡ, thần dám kháng chỉ bất tuân hay sao?

Vua nghiêm nghị nhìn khắp triều, ánh mắt sắc lạnh chiếu thẳng vào Đạt Nhân, các quan hiện diện đều lo lắng cho số phận của chàng. Bỗng, vua ngửa mặt lên trời, cười một tràng dài với vẻ hết sức sảng khoái, rồi bảo Đạt Nhân:

– Nói hay lắm! Nói rất có lý và nghe thật mát cái lỗ tai! Hạt châu này dù là bảo vật liên thành, song ta chỉ muốn dùng nó để thử lòng các khanh thôi, không ngờ văn võ bá quan đầy triều mà ít người hiểu được thâm ý ta… Thế nhưng, nào phải chỉ có lệnh vua mới đáng quí? Tất cả các khanh và mọi người – Nghĩa là bất cứ ai – Nếu mở miệng nói ra toàn những lời thiện, lành, hữu ích thì cũng quí như trân bảo vậy!

Các quan nghe vua phán, vừa thẹn vừa sợ. Thầm hiểu là mình đã kháng lệnh vua. Mà chiếu theo luật, những ai kháng chỉ sẽ bị chém đầu răn chúng. Lâu nay, họ dốc hết sức nịnh đầm những mong lấy lòng vua, nào ngờ lại hóa thành kẻ khi quân chống lệnh… Bị lâm vào tình thế này, họ lỡ khóc lỡ cười, nhốn nháo chờ xem vua định tội mình như thế nào?

Vua biết tỏng bụng dạ các quan, nhưng không phán vội, chỉ hỏi:

– Các khanh thấy lời Đạt Nhân nói có đúng và đáng được khen thưởng chăng?

– Muôn tâu! Có ạ! – Các quan đồng thanh đáp.

Vua mỉm cười, bảo:

– Thế thì hôm nay ta phong Đạt Nhân làm tể tướng, cùng phụ tá việc triều chính và thay ta định tội, xét xử những kẻ đã kháng lịnh ta!…

– Tân tể tướng lạy tạ ơn vua. Sau đó chàng bảo các quan đang đứng run lập cập rằng:

– Bệ hạ của chúng ta là một đấng Quân vương cực kỳ thông minh, nhân ái và đức độ… Vậy thì có lý nào vì một hạt châu mà ngài chém đầu các vị ? – Dù các vị bất tuân lịnh vua, nhưng xét kỹ tính chất phạm tội thì có thể miễn xá… Song, các vị phải chuộc tội bằng cách đem toàn bộ châu báu và các tặng vật (nhờ tán hạt châu mà được vua ban thưởng), trả hết về quốc khố.

Các quan nghe nói, mừng rỡ thở ra nhẹ nhõm, lật đật quay về tom góp châu báu vua ban, mang trả lại.

Tân tể tướng đem toàn bộ bảo vật đó đổi lấy lương thực, phát cho dân nghèo toàn quốc, hơn nữa còn truyền lệnh cho tất cả phủ, huyện, thôn, ấp… đều phải chuyển đạt ý của vua đến toàn dân như thế này:

“Mỗi một mệnh lệnh vua ban ra, giá trị quí hơn châu báu ngàn vạn lần, nhưng không phải chỉ có lệnh vua mới quí, mà tất cả những ai biết cư xử nghĩa tình và nói ra những lời thiện lành, hòa hợp, dịu dàng, hữu ích… thảy đều quí như châu báu”.

Từ đó, quốc vương chẳng còn quan tâm tới châu báu trong thiên hạ nữa, ông dốc lòng dốc sức lo trị nước, an dân. Nhân dân toàn quốc đều hãnh diện vì có được một vị vua thông tuệ, hiền minh; hết mực quan tâm, chăm lo cho mọi người. Họ cảm thấy cực kỳ hạnh phúc vì được làm thần dân của một vì vua yêu bá tính như con! Và tất nhiên, họ rất biết giữ mồm giữ miệng, đến nỗi đất nước vua Thiên Bảo nổi danh là một quốc gia thành thật, ái ngữ đệ nhất.

Bình:

Nhà vua hóm hỉnh, thông minh – Tân tể tướng cũng trí tuệ không kém – Triều đình mà có được vua sáng, tôi hiền như thế thì đất nước xem như tiến triển, phồn vinh.

Những vật mệnh danh là châu báu đó, thật ra nếu không có ta phán định giá trị chúng, tôn vinh chúng, thì chúng chỉ là những vật thể lạnh giá vô tri, không ích dụng. Song, khi ta đã đặt cho chúng cái từ là quí hiếm, thì chúng trở nên có giá. Nhưng, thói thường người ta chỉ chú trọng đến trân bảo mà quên đi giá trị quí báu của tâm linh, của nhân cách mình. Nhưng rõ ràng là đức tính quí hơn châu báu, vì nó có thể xây dựng một cảnh sống hạnh phúc, thiện, mỹ… Tính thành thật, lời thiện lành, lòng vị tha, đức khiêm tốn, bác ái, bao dung v.v… đích thực là những châu báu vô giá tiềm ẩn trong lòng mỗi người mà ai ai cũng có. Các đức tính này được gọi là châu báu vì chúng hiếm, quí, khó tìm, khó kiếm. Trong cuộc sống, khi ta giao tiếp với ai, gặp được người có những đức tính này ta đều cảm thấy an ổn, thích thân cận, mong được giao du…. Người có đủ các châu báu này là Phật, Bồ-tát, Thánh nhân… vì đức hạnh các ngài đã đạt đến trình độ hoàn mỹ, viên mãn. Những châu báu vô hình này không ai có thể cướp đoạt được. Thật sự thì “Ai ai cũng có châu báu”. Song, chịu nhận ra và biết dùng nó làm đẹp bản thân, xây dựng tốt cho đời… là một chuyện hết sức khó và tùy thuộc nhận thức của mỗi người.