bảo bình

Phật Quang Đại Từ Điển

(寶瓶) Bình báu. Phạm: Kalaza, dịch âm là Ca la xa, yết la xa; hoặcKuịđikà, dịch âm là Quân trì. Còn gọi là Hiền bình, Đức bình, Như ý bình, Cát tường bình, Át già bình. Trong Mật giáo, chiếc bình đựng nước công đức, nước thơm, nước hoa, đặc biệt được gọi là bình Át già, còn các tên khác như Hiền bình, Đức bình v.v… đều là tên gọi chung về đức hiệu. Còn bảo bình được dùng vào khi làm lễ quán đính thì gọi là Quán đính bình. Bảo bình đựng năm thứ báu, năm thứ hạt, năm thứ thuốc, năm thứ hương, gồm hai mươi vật, đồng thời, chứa đầy nước sạch, nước thơm, miệng bình cắm bảo hoa, diệu hoa làm nắp đậy, cổ bình thì buộc giải lụa trắng để trang sức. Bảo bình hiển bày hình địa đại (nguyên tố đất), địa đại là ngôi vị chữ A vốn chẳng sinh, tức biểu trưng cái lí đức chúng sinh vốn có tâm Bồ đề thanh sạch. Nước trong bình biểu thị chữ (vaô), tượng trưng trí đức. Hai mươi vật tức hiển bày cái đức tâm Bồ đề thanh sạch. Lại bảo bình là hình Tam muội da thuộc Bảo bộ phía nam, hoa cắm trong bình là biểu trưng cái tướng muôn đức của Phật Sa la thụ vương mở ra khi lí và trí ngầm hợp, Khai phu hoa vương Như lai lấy đó làm hình Tam muội da. Nguyên liệu để làm bình có nhiều loại, như vàng, bạc, đồng, pha lê hoặc đất nung, còn theo kinh Vi diệu đại mạn nô la quyển 1 do ngài Thiên tức tai dịch chép, do các loại phép tu bất đồng mà các loại bình và sắc tướng cũng đều khác nhau. Bảo bình cũng là vật cầm tay của chư tôn. [X. kinh Tô tất địa Q.trung, Q.hạ; kinh Đại nhật Q.2].