báo ân tự

Phật Quang Đại Từ Điển

(報恩寺) I. Báo ân tự. Vị trí chùa nằm về góc phía bắc Ngô huyện tỉnh Giang tô. Thông thường gọi là Bắc tự, trong chùa có tượng Phật nằm, nên còn gọi là Ngọa Phật tự. Cứ theo Đại thanh nhất thống chí quyển 55 chép, thì chùa Báo ân ở góc phía bắc Phủ thành, vốn là chùa Thông nguyên đời Ngô thời Tam quốc, đời Đường đổi là chùa Khai nguyên, Ngô việt là chùa Báo ân, cũng có khi gọi Bắc tự. Lại cứ theo Ngô địa kí, Ngô quận đồ kinh tục kí chép, thì chùa Thông nguyên là do mẹ Tôn quyền hóa nhà làm chùa; khoảng năm Khai nguyên (713-741) đời Đường, nhà vua ban chiếu chỉ làm chùa Khai nguyên, bèn đổi tên là chùa Khai nguyên. Năm Đồng quang thứ 3 (925) đời Hậu đường, Ngô việt vương Tiền lưu xây lại chùa mới, đồng thời, di tấm biển hiệu Báo ân tự (do Chi độn đời Đông Tấn sáng lập) trên núi Chi hình về đây, cho nên mới gọi là chùa Báo ân. Các kiến trúc trong chùa rất là hoa mĩ tráng lệ, đứng đầu các chùa ở vùng đông nam. Khoảng năm Sùng ninh (1102-1106) đời Bắc Tống, lại thêm hiệu là Vạn tuế khi sư Phật nhật Khế tung trụ trì chùa này, khai giảng Hoa nghiêm kinh sớ, được sắc phong là Hiền thủ giáo tự. Về sau, trải qua các cuộc binh lửa và trùng tu, đến năm Quang tự 33 (1907) đời Thanh, pháp sư Chiêu tam về trụ trì chùa này và đã sửa sang lại rất nhiều. Tháp Bắc tự gồm mười một cấp, bị nạn binh lửa thời Nam tống hủy hoại, về sau Đại Tháp chùa Báo Ân ở huyện Ngô Giang Tô được kiến thiết lại. Tháp Bắc tự hiện còn là tòa tháp lớn tám góc chín tầng, cao tám mươi mét, đường trực kính hơn bảy mét, tầng thứ nhất có lan can bao bọc chung quanh cho người ta cái cảm giác yên định. Bộ phận bên ngoài tháp làm bằng gỗ là được tu bổ, hoàn thành vào năm Quang tự 26, còn bộ phận bên trong bằng gạch thì được coi là do Đại viên kiến tạo vào đầu đời Nam tống. Tháp đại đồng bằng đá và bia Ngô vương ghi công vẽ tượng ở đàng sau tháp, đều được cho là do Trương sĩ thành kiến thiết khi trùng tu chùa Báo ân khoảng năm Chí chính (1341-1376) đời Nguyên. [X. Ngô huyện chí Q.36 Báo ân tự điều; Báo ân vạn tuế hiền thủ giáo tự bi (Nguyên đại diêm phục); Bắc tự trùng tu cửu cấp phù đồ kí (Vương thế trinh); Giang tô chi tháp (Giang tô tỉnh văn vật quản lí ủy viên hội biên); Chi na văn hóa sử tích giải thuyết Q.4 (Thường bàn đại định, Quan dã trinh); Chi na đích Phật tháp (Thôn điền trị lang)]. II. Báo ân tự. Vị trí chùa nằm bên ngoài cửa Tụ bảo, phía nam thành Kim lăng, huyện Giang ninh tỉnh Giang tô. Hiệu là Tụ bảo sơn. Nguyên tên là chùa Kiến sơ, do đại đế Ngô tôn quyền đời Tam quốc kiến thiết vào khoảng năm Xích ô (238-251), đồng thời, xây tháp A dục để thờ xá lợi Phật do sa môn Khang tăng hội tặng. Là tòa chùa tháp lâu dài nhất trong suốt dòng lịch sử Giang nam, tương truyền là một trong tám vạn bốn nghìn tháp của vua A dục. Về sau hoang phế, từng được kiến thiết lại làm chùa Trường can, rồi đổi tên một lần nữa là chùa Thiên hỉ. Khoảng năm Chí nguyên (1264-1294) đổi là chùa Nguyên hưng thiên hỉ từ ân tinh trung. Năm Vĩnh lạc thứ 10 (1412), vua Thành tổ nhà Minh hạ lệnh xây lại, ban hiệu chùa Đại báo ân tự. Qua các đời, có các sư Khang tăng hội, Trúc tuệ đạt, Trúc pháp khoáng, Minh triệt, Tăng hựu và Pháp nhãn Văn ích hộ trì, các pháp sư Huyền tắc, Pháp an cũng từng ở đây. [X. Kim lăng Phạm sái chí Q.31; Đại thanh nhất thống chí Q.32]. III. Báo ân tự. Vị trí chùa năm ở góc đông bắc Thọ huyện tỉnh An huy. Tương truyền do đại sư Huyền trang vâng mệnh vua xây dựng vào khoảng năm Trinh quán (627-649) đời vua Thái tông nhà Đường. Nguyên tên là Sùng giáo Thiền viện, Đông thiền viện, Đông thiền tự, đến đầu năm Hồng vũ nhà Minh mới đổi tên như hiện nay. Toàn diện chùa bao quát Sơn môn, Phật điện môn, Đại hùng bảo điện, Thiền đường, khách đường v.v… Trong đại điện thờ các tượng được tạo qua các triều đại, trong đó, tượng khắc bằng gỗ ở đời Đường điềm tĩnh trang nghiêm, tượng chạm bằng gỗ ở đời Tống ngồi nhìn xuống mặc niệm, tượng đồng đời Minh đúc rất điêu luyện, hồn hậu, tượng mười tám La hán đắp bằng đất trong thời Minh, Thanh, tư thái đều khác, tạo hình kì đặc, có thể nói là những tác phẩm nghệ thuật cực kì trân quí. IV. Báo ân tự. Vị trí chùa nằm ngoài cửa tây huyện Vĩnh phong tỉnh Giang tây. Do quan Trung thư thị lang là Từ an chính hóa nhà của mình để làm chùa vào khoảng năm Thiên bảo (742-557) đời Đường, vì tên đất là trấn Báo ân nên chùa cũng gọi là chùa Báo ân. Đời Nguyên bỏ, đến năm Hồng vũ thứ 2 (1369) đời Minh, hậu duệ họ Từ mới xây tháp bên phía hữu của chùa, khoảng những năm Hoàng trị, Vạn lịch đã hai lần được sửa lại. Cây tháp hiện nay là một kiến trúc chín tầng bốn mặt, mỗi tầng cao khoảng ba mét; có sáu góc, hai cửa, đi theo thềm đá vòng quanh, có thể đi thẳng tới tầng năm đến tầng bảy. Mặt bằng tháp hình vuông, tầng trên hết thì hình cột tròn; từ tầng thứ bảy trở xuống, mặt chính mỗi tầng đều đặt một cỗ khám, trong khám có thờ tượng Phật.