BẢO

Phật Quang Đại Từ Điển

I. Bảo. Trong Phật giáo, chữ Bảo thường được dùng để diễn tả sự cao cả tôn quí của chư Phật Bồ tát và pháp, như tôn xưng đức Phật tối cao vô thượng là Bảo vương (vua báu), gọi pháp tướng đẹp đẽ của chư Phật Bồ tát là Bảo tướng, gọi Phật tính chân như thanh tịnh là Bảo tính, gọi Phật, Pháp, Tăng trong Phật giáo là Tam Bảo, gọi đất nước trong sạch của chư Phật là Bảo độ, Bảo địa v.v… đều là lệ thường.

II. Bảo. Trong các kinh luận phần nhiều có chép việc chư Phật Bồ tát và đất nước của các Ngài dùng các thứ anh lạc, vật báu để trang sức, trong đó, tiếng thất bảo được thấy khắp trong các kinh luận. Thất bảo chỉ bảy thứ bảo vật trân quí trong thế gian là vàng, bạc, lưu li, pha lê, xà cừ, xích châu và mã não, trong các kinh luận tuy gọi có khác nhau đôi chút, nhưng phần nhiều đều lấy bảy thứ vừa kể ở trên làm chính, nay lược thuật như sau: 1. Vàng (Phạm: Suvarịa), dịch âm là Tố phạ lí nô, Tô phạt thích na, Tu bạt nô, Tô phạt duy. Dịch ý là diệu sắc, hảo sắc. Còn gọi là hoàng kim (vàng ròng), tử kim (vàng đỏ tía). Cứ theo luận Đại trí độ quyển 10 nói, thì vàng từ cát đá núi và đồng đỏ mà ra, vì thế vàng cát cũng gọi là vàng thóc. Phiên dịch danh nghĩa tập quyển 3, dẫn dụng sự giải thích của Chân đế, nêu lên bốn nghĩa của vàng, đó là: a. Màu sắc không biến đổi. b. Thể không nhiễm bẩn. c. Chuyển dùng làm các vật không ngại. d. Làm cho người ta giàu có Đồng thời, đem bốn nghĩa này để thí dụ với bốn đức thường, lạc, ngã, tịnh của pháp thân chư Phật. Lại thông thường gọi tướng tốt đẹp trang nghiêm của thân Phật là diệu sắc thân, kim sắc thân, gọi vàng ròng quí nhất là diêm phù đàn kim. 2. Bạc (Phạm:Rùpya), phiên âm là Rô tỉ dã, A lộ ba, Nhạ đa. Còn gọi là bạc trắng. Cứ theo luận Đại trí độ quyển 10 nói, thì bạc là do đốt đá mà ra, bạc và vàng là hai thứ vật báu ai cũng biết, trong Phật giáo cũng thường được dùng để gọi thay tên chùa, như gọi Kim địa, Ngân địa v.v… (đất vàng, đất bạc). 3. Lưu li (Phạm:Vaiđùrya), phiên âm là Phệ lưu li da, Phệ nỗ li dã, Bệ trù lị dạ, Tì lưu li, Bệ đầu lê, Lưu li.

Dịch ý là thanh sắc bảo (vật báu màu xanh), viễn sơn bảo (vật báu từ núi xa). Cứ theo Huyền ứng âm nghĩa quyển 24, Tuệ lâm âm nghĩa quyển 1 nói, thì lưu li là ngọc đá màu xanh, ánh sáng trong suốt, là vật thần do trời sinh chứ không phải do người ta mài dũa đá rồi rèn đúc mà thành. Tuy nhiên, chú thích trong Tiền hán thư tây vực truyện quyển 66 phần trên, dẫn dụng thuyết trong sách Ngụy lược, bảo rằng lưu li có hai loại là vật tự nhiên và vật nhân tạo. Vật tự nhiên ở nước Đại Tần, có mười loại là: đỏ, trắng, đen, vàng, xanh, xanh lá cây, vừa xanh vừa trắng, xanh biếc, đỏ lợt, đỏ tươi, màu sắc sáng bóng, các thứ ngọc không bì kịp, màu sắc thay đổi luôn, còn vật nhân tạo là do đốt lấy chất đá rồi đúc và pha thêm các loại thuốc mà thành, là vật giả tạo không thật. 4. Pha lê. (Phạm:Sphaỉika), dịch âm là Tát giả trí ca, Phả trí ca, Phả lê sắc, Phả chi ca, Pha li, Phả lê. Dịch ý là thủy ngọc, bạch châu, thủy tinh. Theo luận Đại trí độ quyển 10 nói, thì pha lê là từ trong hang núi mà ra, là thứ ngọc báu do băng đá hàng nghìn năm kết hóa. Nhưng, Huyền ứng âm nghĩa quyển 6, thì bảo nó là một loại đá, chứ không phải băng hàng nghìn năm kết tinh. Lại Tăng quảng bản thảo cương mục quyển 8, có nêu lên thuyết của Lí thời trân, cho rằng Pha lê nguyên là Phả lê, tên của một nước, đồng thời, bảo pha lê trong sáng lấp lánh như nước, cứng chắc như ngọc, cho nên gọi là thủy ngọc. 5. Xa cừ .(Phạm:Musàragalva), dịch âm là Mâu sa lạc yết bà, Mục sa la già la bà, Mâu hô bà yết lục bà, Ma sa la già lệ, Mâu sa la, Mô tát la, Mâu sa lạc. Dịch ý là tử sắc bảo (vật báu màu đỏ tươi), cám sắc bảo (vật báu màu xanh biếc). Tên gọi của vật báu này bất nhất, như Pháp hoa kinh huyền nghĩa quyển 2 phần cuối.

Phiên dịch danh nghĩa tập quyển 8, dùng tên Mâu sa lạc yết bà phối với Xà cừ để gọi. Nhưng Huyền ứng âm nghĩa quyển 21, quyển 22, thì bảo vì màu nó trắng xám như óc của con ngựa, nên gọi là mã não. Lại theo Tăng quảng bản thảo cương mục quyển 46, nêu thuyết của Lí thời trân, bảo rằng Xà cừ là chỉ con ngao lớn, dài độ hai ba thước (Tàu), rộng độ một thước, dày độ hai ba tấc, vỏ ngoài có những vằn lớn và sâu, trong vỏ thì trắng toát như ngọc, vì thế bị người ta nhận lầm là một loại đá ngọc. Đời sau thì thường gọi các vật được chế bằng san hô trắng và vỏ ngao là Xà cừ; bởi vì san hô thông thường phần nhiều là màu đỏ, mà san hô trắng thì bị gọi là Xà cừ. Thường thì người ta hay lẫn lộn vật báu này với mã não và hổ phách. 6. Xích châu…… (Phạm: lohitamuktikà, ngọc đỏ), còn gọi là xích bảo, xích chân châu. Theo Phật địa kinh luận quyển 1 nói, thì ngọc này là do trùng đỏ mà ra, vì thế gọi là xích chân châu; hoặc thể của ngọc này là mầu đỏ, cho nên gọi xích chân châu. Lại theo luận Đại trí độ quyển 10 nói, thì ngọc này và san hô có khác, rất trân quí, vì loại chân châu thông thường phần nhiều màu tro, tro nhạt, còn xích chân châu thì màu hơi đỏ, nếu là chân châu thuần đỏ thì rất khó mà kiếm được. 7. Mã não . (Phạm:azmargabha), phiên âm là A thấp ma yết lạp bà, A xá ma yết bà, A thấp phạ yết ba, Át thấp ma yết bà, A thâu ma kiệt bà. Dịch ý là Thạch tàng, Thai tàng, Chử tàng. Vật báu này cùng với cái mà đời sau gọi là mã não có khác, là ngọc xanh biếc, sáng lóng lánh.

Người ta thường lầm lẫn ngọc này với mã não (chỉ xà cừ), nhưng Tuệ uyển âm nghĩa quyển thượng bảo hai loại này khác nhau. Lại Huyền ứng âm nghĩa quyển 24, bảo mã não là ngọc màu đỏ, cũng sách ấy quyển 21, lại nói mã não hoặc chỉ hổ phách. Bảy vật báu thuật trên đây có xuất xứ từ kinh Trường a hàm quyển 18 phẩm Diêm phù đề châu, kinh Đại lâu thán quyển 1, kinh Khởi thế nhân bản quyển 1, kinh Xưng tán tịnh độ Phật nhiếp thụ, kinh A di đà, luận Đại trí độ quyển 10 v.v… trong đó, kinh A di đà nói nước Cực lạc được trang sức bằng bảy thứ báu, rồi do tông Tịnh độ lưu truyền rộng rãi, khiến ai ai cũng biết. Ngoài ra, kinh Khởi thế quyển 1 phẩm Diêm phù châu, kinh Đại thừa vô lượng thọ trang nghiêm quyển trung, đem xích châu trong bảy thứ báu kể trên đổi thành chân châu (Phạm:Mukti, mục ca để). Phật địa kinh luận quyển 1, bỏ pha lê ra mà thay bằng mai côi……(một thứ ngọc đỏ: Phạm:Karketana, yết kê đát nặc ca, Huyền ứng âm nghĩa quyển 6 bảo thứ đá quí này là ngọc hỏa tề, sản ở núi Côn lôn khai minh). Kinh Đại bảo tích quyển 17 trừ xà cừ mà thêm nữ ngọc. Kinh Vô lượng thọ quyển thượng trừ pha lê, xích châu, thêm san hô .(Phạm:Pravàđa, bát ra bà phúc la; hoặc vidruma), hổ phách ….. (còn gọi là giang châu. Bác vật chí bảo nó là nhựa cây tùng nằm dưới đất hàng nghìn năm trở lên kết tinh mà thành).

Kinh Hằng thủy thì trừ lưu li, xích châu, mã não, mà thêm san hô, minh nguyệt châu (Phạm: candra-maịi, chiên đà ma ni), ma ni châu (Phạm: maịi, còn gọi là du ma, mạt ni, là tên chung của ngọc). Lại Nhân đà la ni la (Phạm:indra nìla, còn gọi là nhân đà ni la, dịch ý là thiên chủ đại châu (ngọc thiên chủ màu xanh sẫm), cốt thanh .(màu xanh giống màu chim cắt), Đế thích thanh. Tuệ uyển âm nghĩa quyển hạ, cho ngọc này là quí nhất trong các ngọc màu xanh, cho nên gọi là chúa màu xanh). Long mai……cũng được coi là một trong bảy thứ báu. Trong Mật giáo, khi làm đàn tu pháp, thì đem năm thứ thuốc, năm thứ hương, năm loại hạt và năm thứ báu chôn xuống dưới nền đàn, hay khi quán đính, thì đem năm thứ báu bỏ vào năm cái bình trên đại đàn. Năm thứ báu ở đây là chỉ vàng, bạc, hổ phách, thủy tinh và lưu li trong bảy báu, tuy nhiên, tên gọi của năm thứ báu nói trong các kinh điển đều không giống nhau. Lại Chuyển luân thánh vương cũng có đủ bảy báu (tức bảy thứ báu của vua), nhưng bảy báu ở đây có khác với bảy báu được thuật ở trên, đó là: bánh xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, đàn bà báu, cư sĩ báu và chủ binh thần (tức tổng chỉ huy quân đội) báu. [X. kinh Trường a hàm Q.3; kinh Pháp hoa phẩm thụ kí; kinh Đại A di đà Q.thượng; kinh Bình đẳng giác Q.1; kinh Hải bát đức; Kinh Đà la ni tập Q.12; kinh Nhất tự Phật đỉnh luân vương Q.4; Nhiếp đại thừa luận (bản dịch đời Đường) Q.10; Huyền ứng âm nghĩa Q.23; Tuệ lâm âm nghĩa Q.4; Phiên phạm ngữ Q.10]. (xt. Ngũ Bảo, Chuyển Luân Vương).