bàng uẩn

Phật Quang Đại Từ Điển

(? – 808) Là Thiền giả tại gia trứ danh đời Đường. Đời gọi là Bàng cư sĩ, Bàng ông. Người huyện Hành dương tỉnh Hồ nam. Đời đời theo Nho học, chỉ một mình Uẩn mộ Phật pháp. Năm đầu Trinh nguyên (785 – 804), yết kiến Thạch đầu Hi thiên, có chút lãnh ngộ. Sau mến cái phong thái của Đơn hà Thiên nhiên (739 – 824) mà suốt đời kết bạn. Ngoài ra, cũng đi lại tham vấn các bậc thạc đức trong chốn Thiền lâm, như các ngài Dược sơn Duy nghiễm, Tề phong, Bách kinh, Tùng sơn, Đại mai Pháp thường, Lạc phố và Ngưỡng sơn v.v… Một hôm, Thạch đầu hỏi (Đại 51, 263 trung): Ông hiểu việc làm hàng ngày của lão tăng từ trước đến nay như thế nào? Bàng uẩn trả lời: Nếu hỏi việc làm hàng ngày, thì không có chỗ mở miệng. Rồi trình một bài kệ, hai câu cuối nói: Thần thông cùng diệu dụng, gánh nước và bửa củi.

Thạch đầu có ý cho là đuợc, lại hỏi: Ông là tăng? Hay tục? Đáp: Nguyện theo cái mà mình mến chuộng, rồi không xuống tóc, nhuộm áo và suốt đời làm thân phận tại gia, nêu cao phong thái phương ngoại (người ngoài xã hội thường, tức đạo sĩ, Thiền sư). Sau đến Giang tây tham lễ Mã tổ Đạo nhất, hỏi: Không cùng làm bạn lứa với muôn pháp là người thế nào?. Tổ nói: Đợi khi nào ông hớp một hớp cạn hết nước sông Tây giang, tôi sẽ nói cho biết. Ngay sau câu nói đó, Bàng uẩn lãnh hội, đốn ngộ huyền cơ, bèn lưu lại hai năm. Về sau, cơ biện bác sắc bén mau lẹ, khiến các phương đều chú mục.

Khoảng năm Nguyên hòa (806 – 820), đi chơi Tương dương miền bắc, vì ưa thích phong thổ nơi đó, nên bỏ hết gia sản rồi cùng vợ con cày ruộng ở chân núi Lộc môn. Những người đến hỏi đạo mỗi ngày mỗi đông, những lời ông nói đều là Thiền cơ, vợ con đều nhờ đó mà triệt ngộ. Ông mất năm Nguyên hòa thứ 3 (có thuyết cho là Nguyên hòa thứ 10, hoặc là khoảng năm Thái hòa). Đời sau gọi tôn là Tương dương Bàng đại sĩ, Đông độ Duy ma, gọi song song với Phó đại sĩ đời Lương. Có để lại Bàng cư sĩ ngữ lục, do Tiết độ sứ Vu địch, người bạn thân lúc sinh tiền, biên tập, được các Thiền lâm qua các đời rất coi trọng, như Tổ đường tập đời Ngũ đại, Tông kính lục đầu đời Tống, Cảnh đức truyền đăng lục v.v… đều có dẫn dụng một phần nội dung. Bản hiện còn đến nay là bản đã được in lại vào năm Sùng trinh thứ 10 đời Minh, cộng có ba quyển. Khi Bàng uẩn sắp nhập tịch, sai con gái là Linh chiếu ra xem mặt trời sớm hay muộn, Linh chiếu xem rồi trở vào báo (Đại 51, 263 hạ): Mặt trời đã lên giữa trời mà có nhật thực. Bàng uẩn bèn ra ngoài cửa xem, thì lập tức Linh chiếu leo lên chỗ ngồi của cha và chắp tay ngồi mà mất. Bàng uẩn cười, nói: Con gái ta nhanh thế!. Rồi kéo dài thêm bảy ngày nữa mới nhập tịch. Truyện này được chép trong các sách Thiền tổ đường tập quyển 15, Cảnh đức truyền đăng lục quyển 8. Những Thiền cảnh độc đáo của Bàng uẩn trên đây và các truyện tương tự khác như vừa cười vừa nói mà tịch, ngồi mà hóa, đứng mà mất v.v… được ghi chép trong các Thiền lâm, đã trở thành những giai thoại truyền tụng nghìn đời. [X. Phật tổ cương mục Q.32; Cư sĩ truyện Q.17; Bích nham lục Tắc 42, Chiêm bát phương châu ngọc tập Q.thượng].